Ngày 13-11-2015 khi trận giao hữu giữa Pháp và Đức vừa diễn ra không bao lâu thì có hai tiếng nổ lớn ngay bên ngoài sân Stade de France. Cơ quan an ninh Pháp sau đó phát đi thông báo kẻ đánh bom khủng bố trước đó đã tìm cách vào sân Stade de France nhưng không qua được hàng rào an ninh và đã cho nổ bên ngoài sân.
Sau những tiếng nổ trên, nước Pháp đứng trong sự cảnh báo cao độ khi là chủ nhà Euro 2016. Thậm chí đã có những vấn đề được đặt lên bàn cân về việc rút ngày hội bóng đá châu Âu khỏi nước Pháp nhưng nhiều ý kiến cho rằng không thể “đầu hàng” khủng bố vì những tiếng bom nổ bên ngoài Stade de France đấy.
Euro diễn ra tốt đẹp nhưng bốn ngày sau trận chung kết thì nước Pháp lại chứng kiến một vụ khủng bố kinh hoàng tại TP Nice khiến hơn 80 người thiệt mạng.
Vụ khủng bố bên ngoài sân Stade de France và cảnh hỗn loạn trong sân.
Xe chở đội bóng Dortmund mới bị tấn công và nổ bom đêm 12-4. Ảnh: GETTY IMAGES
Cũng trong năm 2016, hai vụ đánh bom xảy ra bên ngoài một sân bóng ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Một vụ xảy ra đêm 10-12 bên ngoài sân Vodafone Arena, sân nhà của đội Besiktas. Vụ nổ này làm 29 người thiệt mạng và 160 người bị thương. Vụ thứ hai là đánh bom tự sát diễn ra tại Công viên Macka gần sân bóng trên.
Trước đó, cũng trong năm 2016, một vụ đánh bom tự sát kinh hoàng tại một sân bóng phía Nam thủ đô Baghdad, Iraq làm nhiều CĐV thiệt mạng, trong đó có rất nhiều trẻ em. Đó là vụ nổ xảy ra đêm 25-3-2016 ngay giữa đám đông đang xem một trận đấu ở sân Iskanderiyah khi ban tổ chức đang trao cúp cho đội vô địch.
Gần nhất là vụ nổ bom tấn công trước trận lượt đi tứ kết Champions League giữa Dortmund và Monaco. Xe buýt chở đội chủ nhà Dortmund bình thường chỉ mất 12 phút để đến sân nhà nhưng đêm 12-4 thì trên đường đến sân của đội bóng này, ba vụ nổ đã gây hư hỏng nặng cho xe chở đội bóng làm trung vệ Marc Bartra bị thương và các cầu thủ hoảng loạn. Trận đấu vì thế phải hoãn lại và tổ chức vào hôm sau nhưng cũng là hồi chuông báo động cho những nhà tổ chức Champions League lo lắng cùng việc họp bàn để cấp thiết đưa ra những phương án nhằm đảm bảo an toàn cho Champions League đang vào hồi gay cấn và quyết liệt trên khắp các sân cỏ châu Âu.
Cũng chính vì những tiếng nổ gây bất an đấy đang len lỏi và nhắm mục tiêu vào sân bóng các CLB châu Âu nên UEFA lên phương án thắt chặt an ninh cho các trận tại Champions League, đặc biệt là trận chung kết diễn ra trên sân Principality ở xứ Wales.
Dù UEFA đã lên phương án phối hợp với lực lượng an ninh xứ Wales qua việc điều động 15.000 nhân viên an ninh của các lực lượng nhưng UEFA vẫn lo lắng và thậm chí còn đưa ra cả giả thiết khủng bố có thể sẽ tấn công trực tiếp xuống sân vận động bằng máy bay không người lái…
Một khi các sân bóng bắt đầu được khủng bố nhắm đến nhằm tạo tiếng vang thì công tác an ninh an toàn càng phải được nâng cao và đấy cũng là thách thức của những nhà tổ chức.
SEA Games cũng từng được cảnh báo có nguy cơ khủng bố SEA Games năm nay diễn ra tại Malaysia và Ủy ban Olympic Đông Nam Á cũng đã đặt ra vấn đề an ninh tại SEA Games với các phương án phòng, chống khủng bố. Trước đó tại các SEA Games 2013 ở Myanmar và SEA Games 2015 ở Singapore cũng luôn nằm trong tình trạng an ninh được thắt chặt vì lo ngại những ảnh hưởng có thể xảy ra với đại hội thể thao lớn nhất Đông Nam Á này. |