Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho biết theo thống kê của Bộ Công Thương, mỗi năm có khoảng 1.500 khiếu nại của người tiêu dùng qua đường dây nóng, hoặc thông qua văn bản, phàn nàn về các giao dịch mua hàng online.
. Phóng viên: Người tiêu dùng phàn nàn về các vấn đề gì vậy, thưa ông?
+ Ông Trần Hữu Linh: Người dân phản ánh về nhiều vấn đề khác nhau, nhưng chủ yếu là việc họ bức xúc vì mua hàng online nhưng mua phải hàng không rõ xuất xứ, mua phải hàng kém chất lượng, hay có người thì phàn nàn về chất lượng dịch vụ của người bán…Nếu chúng ta để ý sẽ thấy cách đây hai, ba năm, nhiều người hay mua hàng trên facebook, hoặc các nền tảng mạng xã hội khác, thế nhưng hiện giờ người mua đã thận trọng hơn và thậm chí có phần không tin tưởng khi mua hàng trên mạng xã hội.
Vì do chính người bán lợi dụng nền tảng mạng xã hội để kinh doanh, buôn bán hàng giả. Ngay cả các sàn giao dịch thương mại điện tử của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng uy tín trước vấn nạn của hàng giả. Do vậy nếu không có phương án để kiểm soát hiệu quả vấn nạn hàng giả trên không gian mạng thì chúng ta sẽ không tận dụng được hết thế mạnh của thương mại điện tử.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường. |
. Vì sao mà tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn còn tồn tại và diễn biến phức tạp, nhất là trên nền tảng thương mại điện tử như vậy, thưa ông?
+ Có rất nhiều nguyên nhân, gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về chủ quan, công tác quản lý địa bàn, thu thập, xử lý thông tin và tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của một bộ phận cá nhân, đơn vị còn hạn chế. Công tác triển khai và phối hợp với các ngành, các cấp, các đơn vị trong nhiều trường hợp còn thiếu quyết liệt, thiếu đồng bộ…
Về nguyên nhân khách quan thì nguồn lực con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong truyền thống và thương mại điện tử chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai nhiệm vụ trong tình hình mới. Tình trạng hàng giả trên môi trường thương mại điện tử còn diễn biến phức tạp, xảy ra thường xuyên với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Cạnh đó, vẫn còn những tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng có nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật còn hạn chế, cố tình tiếp tay cho đối tượng vi phạm.
. Như ông vừa chia sẻ, tình trạng hàng giả trên môi trường mạng đang diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, ông có thể nêu dẫn chứng cụ thể trong thực tế kiểm tra kiểm soát?
+ Thực tế triển khai công tác kiểm tra, triệt phá các tụ điểm, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng nhái, hàng lậu… trong ba năm vừa qua của lực lượng Quản lý thị trường cho thấy các đối tượng đã có nhiều thủ đoạn rất tinh vi để né tránh cơ quan chức năng.
Tổng kho hàng giả mạo, không rõ nguồn gốc, hàng nhập lậu bán qua livestream ở Tuyên Quang bị lực lượng Quản lý thị trường và Công an tỉnh Tuyên Quang phối hợp triệt phá. Ảnh: QLTT |
Nếu như trước đây, hàng giả, hàng nhái, hàng lậu từ nước ngoài về đều phải bán trên các kênh bán hàng truyền thống. Khi bán hàng trên kênh truyền thống thì hàng phải tập kết ở các kho bãi tại các khu đô thị, thành phố lớn, khu dân cư đông đúc. Thế nhưng trong ba năm gần đây, xu hướng, thủ đoạn của các đối tượng đã thay đổi rõ rệt.
Thông qua bán hàng trên các nền tảng online, hàng hoá không cần phải chở về các tổng kho đại lý ở các khu đô thị nữa mà có thể livestream bán hàng trực tuyến ở bất cứ khu vực nào, kể cả những vùng xa xôi, hẻo lánh. Các kho đó không cần biển hiệu. Họ có thể trà trộn vào khu chung cư, gây rất nhiều khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Thông qua các buổi livestream, các nền tảng online, người mua đặt hàng, người bán giao hàng cho bên vận chuyển là có thể giao được đến bất cứ đâu.
. Vậy Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường có giải pháp gì để phòng chống gian lận thương mại trên môi trường mạng thời gian tới?
+ Về giải pháp, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chính thức trình đề án chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ người tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử, trong đó quy định rõ trách nhiệm, cam kết của các sàn thương mại điện tử. Đồng thời đề án cũng phân chia rõ trách nhiệm của từng lực lượng, từng bộ ngành, đề ra các quy định, yêu cầu phối hợp trong công tác thực thi kiểm tra xử phạt gian lận thương mại trên môi trường mạng.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng giải pháp rất quan trọng nữa là công tác tuyên truyền cần đẩy mạnh hơn nữa để người dân nâng cao nhận thức, kiến thức phân biệt hàng thật - hàng giả và nói không với việc tiêu dùng hàng giả.
. Xin cảm ơn ông!