Ngoài ra, trong trường hợp cần thiết CSGT còn được tạm giữ xe để đảm bảo việc cưỡng chế xử phạt.
Thế nhưng Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013) cho phép người dân có địa chỉ rõ ràng, có điều kiện về kho bãi và khả năng tài chính được đặt tiền bảo lãnh để tự giữ xe vi phạm giao thông.
Tiếp đó Nghị định 115/2013 (có hiệu lực từ ngày 18-11-2013) quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính cũng đã nêu rõ: Chỉ những trường hợp đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, làm giả cà vẹt, biển số hoặc xe bị đục lại số khung, số máy hay là vật chứng của vụ án… thì không được bảo lãnh, tự giữ xe.
Điều này tiếp tục được minh định một cách rõ ràng hơn tại Thông tư 47/2014 của Bộ Công an (có hiệu lực từ ngày 7-12-2014) khi cho phép tổ chức, cá nhân có xe vi phạm làm đơn đề nghị được giữ, bảo quản phương tiện.
Thế nhưng đến nay đã gần hai năm, kể từ khi Thông tư 47 trên có hiệu lực, không ít người dân vẫn chưa biết mình có quyền được bảo lãnh, tự giữ “xế cưng” của mình. Còn người biết thì khi đề nghị tự giữ xe để tránh các thiệt hại lại không được chấp nhận. Trong khi đó, việc bảo quản phương tiện vi phạm giao thông thời gian qua có quá nhiều bất cập, gây tốn kém cho Nhà nước lẫn người dân. Có nhiều trường hợp người dân nhận xe về thì nó thành đống… sắt vụn.
Trên thực tế, việc tạm giữ phương tiện ngoài việc để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt còn có ý nghĩa ngăn chặn vi phạm. Chẳng hạn, khi xử lý vi phạm nồng độ cồn thì tạm giữ xe nhằm không để người vi phạm tiếp tục chạy xe, có thể xảy ra tai nạn… Sự chần chừ cho dân đặt tiền bảo lãnh xe có thể xuất phát từ các nguyên nhân này.
Song trong một nhà nước pháp quyền, luật pháp phải được đảm bảo thực thi một cách thống nhất. Không thể vì một lo ngại nào đó mà chậm trễ vận dụng, áp dụng một quy định nhân văn đã được bàn thảo kỹ lưỡng trước khi ban hành luật cùng các văn bản cấp dưới là nghị định, thông tư đã quy định chi tiết.
Xét cho cùng, các vi phạm giao thông, nguyên nhân gây tai nạn giao thông là do con người. Biện pháp “giữ xe” để “kéo trách nhiệm của chủ” đã không còn phù hợp với thực tiễn. Nhất là khi pháp luật đã có quy định điều chỉnh cho phù hợp thì nhất thiết nó phải được thực thi để đảm bảo lợi ích của người dân và tính kỷ cương của luật pháp.