Mưa lớn kéo dài, phải chủ động sơ tán dân ở vùng trũng thấp

Sáng 4-9, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức cuộc họp ứng phó với diễn biến của ATNĐ gần bờ.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết vào sáng nay, 4-9, ATNĐ di chuyển ra biển, còn cách đất liền các tỉnh Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 200 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 60 km tính từ tâm ATNĐ. 

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: NH


Do ảnh hưởng của áp thấp, từ ngày 4 đến 5-9, các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (tổng lượng mưa phổ biến 70-150 mm, riêng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế 100-200 mm); khu vực Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to (50-100 mm). Từ ngày 6-9 mưa lớn giảm nhanh ở Trung Bộ. 

Về cơn ATNĐ ở khu vực bắc biển Đông, hiện cơn ATNĐ này đã suy yếu thành áp thấp và tan dần.

Thông tin về tình hình ngập lụt, ông Nguyễn Xuân Tùng, Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, cho biết từ chiều 3-9, 11 xã thuộc huyện Hương Khê, Can Lộc của tỉnh Hà Tĩnh bị ngập, giao thông chia cắt.

Tại Quảng Bình cũng có bốn xã Trọng Hóa, Dân Hóa, Thượng Hóa, Hóa Sơn (huyện Minh Hóa), xã Thượng Trạch (huyện Bố Trạch), xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), xã Lâm (huyện Lệ Thủy) ngập lụt, chia cắt các khu vực trũng thấp. QL12A, QL15, QL 9B cũng bị ngập sáu điểm sâu 0,2 đến 1 m, 13 điểm sạt lở và nhiều điểm trên tuyến đường 16, QL21A, nhiều tuyến đường liên xã bị ngập, gây chia cắt.

Tại Quảng Trị có bốn xã Tà Long, Ba Năng, A Vao thuộc huyện Đắkrông, ba xã Thuận, Ba Tầng, A Xinh thuộc huyện Hướng Hóa bị ngập lụt chia cắt nhiều điểm; đã di dời 347 hộ/1.133 người. Nhiều tuyến đường thuộc các huyện Hướng Hóa, Đắkrông bị ngập gây chia cắt 14 xã và nhánh Tây đường Hồ Chí Minh sạt lở tại Km 171, 173, 193, 197, 265, 287.

Về tình hình thiệt hại do mưa lũ, theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị cho biết đã có một người bị lũ cuối trôi tại Quảng Bình và một người bị thương; 18 nhà và một trường học bị tốc mái tại Hà Tĩnh.

Nhiều xã tại Quảng Trị đang bị ngập sâu. Ảnh: Đ.NGHĨA

Đại tá Trần Văn Đình, Trưởng phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết mưa lớn từ ngày 31-8 đến 4-9 đã làm chín người dân tộc Chứt của bản Rào Tre (Hà Tĩnh) vào rừng lấy lá nón từ ngày 2-9 chưa về, hiện đã liên lạc được hai người còn bảy người chưa liên lạc được. 

Ngoài ra, tàu cá QNA91928TS có 44 thuyền viên của tỉnh Quảng Nam đã chìm trên đường tránh trú bạo tại bãi Tuyên Chính vào ngày 2-9, 41 thuyền viên đã được tàu QNG90817 TS cứu sống. Hiện các lực lượng chức năng đang tổ chức tìm kiếm ba người mất tích. 

Trước tình hình trên, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Vũ Xuân Thành yêu cầu các địa phương chủ động sơ tán dân cư vùng trũng thấp, có nguy cơ bị ngập sâu, chia cắt; bố trí lực lượng canh gác tại các khu vực ngầm tràn, đường giao thông bị ngập sâu nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện. 

Tổ chức lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông suối, hạ lưu hồ đập, vùng trũng thấp, khu vực có nguy lũ quét, sạt lở đất; khơi thông ngay các điểm bị tắc nghẽn dòng chảy. Huy động lực lượng giúp người dân thu hoạch diện tích lúa đã chín. 

Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập, hạ du hồ chứa nhất là hồ, đập xung yếu, đang thi công và các hồ nhỏ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố.

Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng, kiểm ngư và các địa phương tổ chức tìm kiếm ba ngư dân bị mất tích thuộc tàu cá QNA91928TS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm