Hết sức cảnh giác với mưa lũ từ nay đến ngày 6-9

Từ sáng 3-9, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) gần bờ có tên Kajiki đã vào đất liền nhiều tỉnh miền Trung với sức gió giật đến cấp 9. Cùng thời điểm, một ATNĐ khác ở khu vực giữa biển Đông với gió giật đến cấp 8 đang ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140 km.

Sẵn sàng cho mọi tình huống

“Ở biển Đông đang xuất hiện những dạng hình khí tượng bất lợi, đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cố gắng xâu chuỗi, đánh giá để chúng ta lường trước, có cảnh báo” - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Phó Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, nhận định như trên tại cuộc họp ngày 3-9 nhằm ứng phó với ATNĐ kép trên đất liền và giữa biển Đông.

Theo ông, ATNĐ Kajiki có điểm đặc biệt là rất phức tạp khi được dự báo vào bờ biển nước ta, sau quay lại biển rồi góp với một ATNĐ thứ hai giữa biển Đông. Do vậy các cơ quan quản lý cần bám chặt, cập nhật và thường xuyên thông báo diễn biến tình hình hiện tượng thời tiết này để chủ động ứng phó.

Bộ trưởng cũng đánh giá mưa lớn cục bộ từ nay đến hết ngày 6-9 từ Thanh Hóa trở vào Thừa Thiên-Huế khiến lũ lên nhanh, có khả năng lên báo động ba nên phải hết sức cảnh giác, đề phòng sạt lở, tai biến địa chất... Từ đó  ông yêu cầu chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng trong mọi tình huống.

Ngoài ra, phó Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai cũng yêu cầu các địa phương tập trung thu hoạch lúa hè thu. “Tiếp tục theo dõi ATNĐ và tình hình tàu thuyền, lồng bè, không để người dân quay lại lồng bè, chòi canh. Đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch trên trên các đảo...” - ông lưu ý.

Chiến sĩ biên phòng giúp người dân ở Quảng Trị di chuyển tài sản đến nơi an toàn. (Ảnh do bộ đội biên phòng cung cấp)

Các đơn vị liên quan có mặt tại các vị trí bị sạt lở để khắc phục. Ảnh: N.DO

Ngập nặng, sạt lở, nhiều trường học khó khai giảng đúng hẹn

Cho đến chiều 3-9, trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đang có mưa dông với lượng mưa rất lớn. Cụ thể, tại TP Vinh (Nghệ An), từ sáng đã mưa trắng trời, những đường như Hồng Bàng, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Duy Trinh… chìm trong nước; nhiều trường học ở TP đã thông báo cho học sinh nghỉ học ở nhà chống mưa, lũ.

Tại xã Nam Lộc (huyện Nam Đàn, Nghệ An), sạt lở đất khiến một nhà dân bị gãy sập, nhiều nhà khác bị đất đá trôi vào. Còn quốc lộ 7A hướng huyện Kỳ Sơn đi cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã có nhiều điểm đất đá từ trên cao trôi xuống mặt đường.

Tại Hà Tĩnh, mưa lớn kèm gió mạnh xảy ra trên diện rộng, trong đó một cơn lốc xoáy tại xã Ngọc Sơn (huyện Thạch Hà) làm tốc mái của Trường Tiểu học xã Ngọc Sơn và hàng chục nhà dân. Nước lũ tại Hà Tĩnh cũng đang lên nhanh và Nhà máy thủy điện Hố Hô (giáp ranh tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình) đã thông báo bắt đầu xả lũ. Dự kiến nhiều trường học ở rốn lũ Hương Khê, Hương Sơn sẽ không kịp khai giảng vào ngày 5-9 sắp tới vì mưa lũ.

Ở địa bàn Quảng Trị, đến trưa 3-9, Sở GTVT tỉnh này cùng các đơn vị quản lý đường bộ tiếp tục kiểm tra, khắc phục hơn 20 vị trí sạt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây. Cơ quan chức năng đã huy động máy móc san ủi hàng trăm khối đất, đá để thông tuyến. Tuy nhiên, trong tình hình mưa vẫn to, lượng đất, đá rất lớn khiến việc khắc phục gặp nhiều khó khăn, nhiều ô tô, xe máy bị mắc kẹt nhiều giờ tại các điểm này. Cũng tại Quảng Trị, cho đến đầu giờ chiều cùng ngày, các đội cứu hộ cứu nạn vẫn chưa tìm thấy chị Hồ Thị Chăn (30 tuổi, huyện Minh Hóa), nghi bị nước lũ cuốn mất tích từ tối 2-9 lúc chị đi đánh bắt cá.

Tại Thừa Thiên-Huế, tình trạng thiên tai cũng diễn ra tương tự. Để tránh tình huống xấu, Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có văn bản gửi Công ty cổ phần Thủy điện miền Trung về việc vận hành điều tiết hồ thủy điện A Lưới. Theo đó, Ban chỉ huy yêu cầu Nhà máy thủy điện A Lưới từ 16 giờ chiều 3-9 điều tiết nước về hạ du huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, Lào với lưu lượng tăng dần trong khoảng 20 m3/giây đến 400 m3/giây. Việc điều tiết nước tránh đột biến, đảm bảo mực nước hồ thấp hơn mực nước dâng bình thường; và căn cứ tình hình lưu lượng đến hồ và diễn biến lũ để điều tiết cho phù hợp.

Đến tối 3-9, lực lượng chức năng các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế vẫn đang nỗ lực phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và giúp đỡ, hỗ trợ người dân.

Mực nước nhiều sông ở mức báo động hai

Đến 17 giờ 30 chiều 3-9, lũ trên sông Kiến Giang (Quảng Bình) đã đạt đỉnh và đang xuống, các sông khác từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị thì lên chậm. Tới sáng 4-9, mực nước tại các sông Chu Lễ, sông Ngàn Phố, sông Gianh, sông Thạch Hãn, những sông ở Kon Tum, Gia Lai… dao động từ mức báo động một đến mức báo động hai.

Nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất, ngập lụt ở vùng trũng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai. Tại những địa phương này, một số huyện được đặc biệt lưu ý vì nguy cơ lở đất, ngập lụt cao hơn hẳn.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương ra thông báo đề nghị các đơn vị, địa phương theo dõi tin nhanh cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ chi tiết đến cấp huyện trong các bản tin nhanh. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm