Mục đích của NHNN mua lại ngân hàng yếu kém là vì sự an toàn đối với tiền gửi của dân, tài sản của Nhà nước chứ không phải vì mục tiêu lợi nhuận.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chánh Thanh tra cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN), tại hội thảo nhìn lại ba năm xử lý nợ xấu do NHNN và báo Lao Động tổ chức chiều 5-10 ở Hà Nội.
Trả lời thắc mắc “làm sao để khắc phục các ngân hàng yếu kém sau khi mua lại 0 đồng?”, ông Nghĩa cho rằng phải xử lý tài sản không sinh lời để khôi phục hoạt động của các ngân hàng đó, phát triển hoạt động kinh doanh mới. “Khi NHNN mua lại thì xác định đây là ngân hàng của Nhà nước, một đồng của ngân hàng này cũng là tiền của Nhà nước. Khi Nhà nước đã sở hữu thì nguồn vốn sẽ gia tăng trở lại” - ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cũng cho biết trong quá trình tái cơ cấu, các ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ tích cực các ngân hàng yếu kém tìm kiếm cơ hội, hỗ trợ thị trường thông qua các hoạt động về hợp vốn để giảm bớt các chi phí. Cũng theo ông Nghĩa, việc NHNN đứng ra mua lại ngân hàng yếu kém là vấn đề truyền thống, thực hiện đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước là không thể đổ vỡ các tổ chức tín dụng để các cổ đông, chủ sở hữu ngân hàng khắc phục yếu kém của họ.
Theo báo cáo của NHNN, từ năm 2012 đến hết tháng 8-2015, hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 424.000 tỉ đồng nợ xấu (tương đương 91,2%).
TRÀ PHƯƠNG