Nhiều chị em lựa chọn cách cùng đi sắm Tết với mẹ chồng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
"Chẳng Tết nào vui bằng Tết đoàn viên," với tâm lý đó, càng gần ngày Tết, mọi người ai ai cũng trông chờ để đoàn tụ sum họp gia đình. Còn riêng với những nàng dâu mới, ngoài sự mong ngóng, là những lo lắng, hồi hộp với bao áp lực lo toan để có một cái Tết sao cho trọn vẹn và chu toàn nhất nhằm "ghi điểm" với nhà chồng và họ hàng nhà chồng.
Rủ chồng sắm Tết
Để có cái Tết ấm cúng cùng gia đình chồng, nhiều chị em đã phải lên kế hoạch trước đó hàng tháng, nào là sắm Tết, quà Tết, rồi trang trí nhà cửa… Tuy nhiên, để vừa lòng nhà chồng, các nàng dâu chớ quên người bạn đồng hành của mình đó là các đức ông chồng.
Chị Nguyễn Bích Quý (Từ Sơn, Bắc Ninh) chia sẻ, vừa làm dâu được hai tháng thì sắp Tết, chị đã lo lắng từ khi mới cưới cho đến tận ngày Tết. Không dấu suy nghĩ đó, chị đã chia sẻ điều này cùng ông xã, nghe xong chồng chị phì cười vì tâm lý “cụ non” của chị.
“Mặc dù thế, nhưng để tôi yên tâm, anh ấy hứa sẽ cùng chuẩn bị sắm Tết. Cũng nhờ vậy mà tôi đã có một cái Tết đầu tiên ở nhà chồng vô cùng ấm áp,” chị Quý cười típ mắt tâm sự.
Cùng quan điểm, cô dâu trẻ Trần Hoàng Liên (Đông Anh, Hà Nội) cũng khoe công cuộc lôi kéo thành công ông xã sắm Tết cùng.
Liên tíu tít nói: “Hai vợ chồng cùng sắm Tết với nhau vừa vui, ý nghĩa lại vừa tình cảm. Chồng mình thật là một vị ‘quân sư’ tuyệt vời, nhờ có sự tư vấn kỹ càng của ông xã mà ngày Tết cả nhà chồng cứ tấm tắc khen, cô con dâu mới khéo sắm Tết lại đúng ý nhà chồng, làm mình cứ như mở cờ trong bụng.”
Bật mí kinh nghiệm làm dâu đảm ngày Tết, chị Phạm Huyền Trang (Từ Liêm, Hà Nội) cũng hồ hởi cho hay, cùng phận làm dâu mới khó ai hiểu hết được các tập tục cũng như các nghi lễ hay sở thích của nhà chồng, vì thế cứ đến Tết mình lại bàn bạc với anh xã xem cần mua sắm những gì và lên kế hoạch chi tiêu trong điều kiện của hai vợ chồng.
Các ông chồng là những vị "quân sư" tuyệt vời cho chị em để làm vừa lòng nhà chồng. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
“Như vậy chẳng những được tiếng dâu hiền, mà còn được tiếng vợ ngoan và nếu có lỡ đà sắm quá tay thì cứ đưa các ông ra làm tấm bình phong bào chữa như ‘à cái này chồng con bảo mua thêm nhà mình dùng dần…’ đảm bảo mọi việc lại êm đẹp đâu vào đó,” chị Trang khúc khích kể.
“Cái khó, ló cái hay”
Có không ít chị em đã có cái Tết thành công mĩ mãn nhờ sự hỗ trợ của các đức ông chồng, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít nàng dâu mới lại dở khóc dở cười với những anh chồng ngó lơ, phó thác việc sắm Tết cho vợ. Trường hợp này, những nàng dâu mới lại đành “tự biên, tự diễn.”
Mặc dù, thiếu trợ thủ đắc lực như các nàng dâu mới có chồng “quân sư” nhưng đúng là “cái khó, ló cái hay” có muôn cách để chị em thể hiện tài đảm của mình trong những ngày Tết.
Chia sẻ, cảm nhận cái Tết đầu tiên ở nhà chồng, chị Hoàng Thị Phương (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, Phương là dâu mới, nhà chồng Phương lại là con trưởng 3 thế hệ, nên Tết này, chị phải sắm sửa và chuẩn bị mọi thứ.
Đang đau đầu vì không biết sắm sửa như thế nào thì Phương chợt nghĩ, hay cứ tham khảo hỏi ý kiến mẹ chồng để lên kế hoạch chuẩn bị cho Tết kẻo thiếu sót thì không hay.
“Cứ sợ sẽ bị đánh giá là dâu đoảng, nhưng không ngờ, mẹ chồng mình lại là một người vô cùng tâm lý. Khi mình vừa thủ thỉ chuyện sắm Tết, mẹ còn ngồi tâm sự cái Tết đầu tiên của mẹ ngày trước cũng vậy. Cũng từ đó, Tết năm nào mình và mẹ chồng cũng đồng hành trong việc chuẩn bị,” chị Phương thở phào nói.
Còn đối với nàng dâu mới Thu Hiền (Đan Phượng, Hà Nội), do điều kiện kinh tế gia đình chồng cũng không mấy dư giả nên Tết đến, cả nhà thường tự chuẩn bị mọi thứ như tự gói bánh chưng, tự làm mứt Tết, tự trang trí nhà cửa… là dâu mới, chị cũng không ngần ngại xắn tay vào mọi việc cùng nhà chồng.
“Tết đến, là con dâu mình thấy có rất nhiều cách sắm sửa cho gia đình nhà chồng. Nhưng dù có sắm sửa và lo toan đến đâu thì trước hết mình nghĩ vẫn cần nhất xuất phát từ sự chân thành, yêu nhà chồng như nhà mình,” chị Hiền mỉm cười bộc bạch./.
Theo THANH TÂM (VIETNAM+)