Trong hơn một thế kỷ qua, Mỹ được biết đến với các thành tựu trong cuộc cách mạng viễn thông.
Từ đỉnh cao trở thành tay đua "hụt hơi"
Đầu tiên là phát minh ra máy điện báo dây đơn, sau đó là phát minh điện thoại mà chúng ta sử dụng ngày nay của Alexander Graham Bell năm 1987. Ông Bell sau đó tiến tới thành lập công ty viễn thông đa quốc gia AT&T, một trong những hãng viễn thông lớn nhất thế giới, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Nhưng khi năm 2020 đang đến gần và thế giới đang ở đỉnh cao của mạng 5G (thế hệ mạng di động thứ năm) siêu nhanh, Mỹ tự thấy mình không còn là kẻ đi đầu trong lĩnh vực phần cứng viễn thông để có thể cạnh tranh với những người chơi lớn trong cuộc đua 5G như Huawei của Trung Quốc, Nokia của Phần Lan và Ericsson của Thụy Điển nữa.
Công ty viễn thông AT&T của Mỹ. Ảnh: AFP
Mạng di động không dây thế hệ thứ 5 dự kiến sẽ cách mạng hóa mọi thứ từ những thứ trên Internet tới việc một chiếc xe tự lái và thực tế ảo. Mạng 5G cũng sẽ đem về hàng tỉ USD cho những quốc gia nào có khả năng bắt kịp công nghệ này.
Thế nhưng, những năm gần đây, Mỹ đụng độ với Trung Quốc về thương mại và các vấn đề công nghệ, chuyển sang can ngăn các quốc gia sử dụng thiết bị Huawei trong việc phát triển hạ tầng mạng 5G của họ. Mỹ hy vọng các thiết bị đó sẽ được cung cấp bởi các công ty đến từ các quốc gia thân thiện hơn.
Mỹ cáo buộc Huawei có quan hệ với chính phủ Trung Quốc, cảnh báo các đồng minh rằng các thiết bị của Huawei có thể được tình báo Trung Quốc sử dụng để làm gián điệp. Chủ tịch luân phiên của Huawei Gou Ping mới đây chỉ trích Mỹ “có thái độ của kẻ thua cuộc”, nói rằng Mỹ muốn bôi nhọ Huawei vì không thể cạnh tranh với hãng này.
Tuy nhiên, sức ép của Mỹ lên các đồng minh gần như vô hiệu. Tháng trước, Ủy ban châu Âu từ chối áp lệnh cấp Huawei như Washington yêu cầu, cho biết các nước thành viên sẽ được yêu cầu chia sẻ dữ liệu về rủi ro an ninh mạng 5G.
Nếu Mỹ cứ tiếp tục cuộc chiến chống Huawei, thì Washington cũng không thể tránh khỏi lo âu về việc có theo kịp sự đổi mới công nghệ.
Hồi tháng 2, Ủy ban Thương mại Thượng viện Mỹ đã tổ chức một buổi điều trần mang tên “Chiến thắng cuộc đua 5G và Kỷ nguyên đổi mới công nghệ của Mỹ”, nhằm thảo luận những chính sách cần thiết để đẩy nhanh phát triển 5G duy trì tính cạnh tranh của Mỹ trên đấu trường quốc tế.
Nokia đã mua lại hãng viễn thông Pháp Alcatel-Lucent. Ảnh: AFP
“Để thực hiện tất cả lợi ích này một cách toàn diện, Mỹ phải chiến thắng cuộc đua toàn cầu về 5G. Thất bại trong cuộc đua này sẽ làm giảm vĩnh viễn lợi ích kinh tế và xã hội của quốc gia hàng đầu về công nghệ” – Thượng nghị sĩ Roger Wicker cho biết.
Vì sao như thế?
Với việc vắng bóng một nhà vô địch thiết bị 5G địa phương, các công ty viễn thông Mỹ gồm AT&T, Verizon và Sprint đã thông báo họ sẽ làm việc với Nokia và Ericsson cũng như với Sam Sung (Hàn Quốc) để cung cấp thiết bị phần cứng 5G cho họ.
Vậy Mỹ từ một thủ lĩnh trong ngành công nghiệp viễn thông đến kẻ bị gạt ra rìa để một công ty Trung Quốc trở thành người dẫn đầu mạng 5G chỉ trong vài thập niên như thế nào?
Báo South China Morning Post dẫn lời các chuyên gia và cựu nhân viên viễn thông Mỹ chỉ ra rằng nhiều yếu tố kết hợp đã dẫn đến sự thoái trào của ngành công nghiệp này, trong đó có việc bãi bỏ quy định năm 1996 và thiếu chuẩn mạng di động quốc gia.
Châu Âu đã chỉ thị sử dụng chuẩn mạng di động GSM (Global System for Mobile Communications-Hệ thống thông tin di động toàn cầu) năm 1987. Tuy nhiên, các nhà quản lý Mỹ đã cho phép các hãng viễn thông đi theo bất kỳ chuẩn mạng di động nào mà họ muốn. Hãng Verzon và Sprint của Mỹ đã chọn cung cấp các dịch vụ sử dụng chuẩn mạng CDMA do hãng Qualcomm của Mỹ phát triển.
“Ở Mỹ có các mạng không dây như TDMA, CDMA và GSM và bất cứ hãng nào cũng có thể chọn bất cứ mạng nào mà họ cho là tốt nhất cho kế hoạch phát triển của mình… - Thomas J. Lauria, cựu nhân viên của AT&T, nhà phân tích viễn thông và là tác giả cuốn The Fall of Telecom, cho biết.
Sự tồn tại của nhiều chuẩn mạng di động trong một thị trường được khuyến khích hơn nữa khi Mỹ bãi bỏ quy định hạn chế các nhà mạng theo Đạo luật Viễn thông năm 1996, trong đó Mỹ đã mở cửa thị trường, xóa bỏ sự độc quyền của nhà mạng AT&T tạo điều kiện để các nhà mạng nhỏ hơn mọc lên.
Huawei lần đầu đạt doanh thu hơn 100 tỉ USD. Ảnh: REUTERS
Sau sự bùng nổ ban đầu của ngành công nghiệp di động sau khi Mỹ bãi bỏ quy định, ngành công nghiệp viễn thông bắt đầu đi xuống từ năm 2001 khi sự tăng trưởng bắt đầu chia đều cho nhà mạng lớn và nhỏ. Các nhà đầu tư cũng đã quyết định đặt cược vào các công ty lâu năm hơn sau một số bất ổn của thị trường chứng khoán, và một số nhà mạng nhỏ hơn đã phá sản.
Cũng trong thời gian đó, Huawei khi đó là một công ty mới nổi có trụ sở ở Thâm Quyến, đã có thể mở rộng ra toàn cầu. Huawei ban đầu cung cấp các thiết bị mạng giá rẻ hơn cho khách hàng quốc tế ở những nước mới nổi như một cách để giành chỗ đứng ở thị trường quốc tế.
Bằng cách tập trung vào các dịch vụ khách hàng và đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, Huawei ngày nay đã tự khẳng định mình là một nhà cung cấp thiết bị lớn cho mạng 5G.
Huawei mới đây công số số liệu cho thấy doanh thu năm 2018 tăng 19,5%, lên 721,2 tỉ NDT (107,1 tỉ USD). Đây là lần đầu tiên con số này vượt mốc 100 tỉ USD. Lợi nhuận ròng đạt 59,3 tỉ NDT, tăng 25% so với năm trước đó. Tốc độ tăng doanh thu cao hơn năm 2017, nhưng tốc độ tăng lợi nhuận lại chậm hơn.
Mảng thiết bị viễn thông thu về 294 tỉ NDT, thấp hơn so với 297,8 tỉ NDT năm 2017. Cỗ máy tăng trưởng của hãng này nằm ở mảng tiêu dùng, với doanh thu tăng 45% so với năm trước đó, lên 348 tỉ NDT. Đây là lần đầu tiên mảng này đóng góp doanh thu lớn nhất cho Huawei.