Hãng tin Sputnik (Nga) đưa tin bình luận về những tác động có thể xảy ra của Brexit đối với các căn cứ quân sự của Mỹ ở Anh, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Dov S. Zakheim cảnh báo Lầu Năm Góc sẽ phải có phương án B để duy trì hiện diện hải quân ở quốc gia này.
Bình luận trên tờ National Interest, ông Zakheim cho rằng nguy cơ Brexit có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các lợi ích quân sự của Mỹ và do đó Mỹ cần xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc.
Theo ông, vấn đề chính là mối đe dọa từ chủ nghĩa dân tộc ở Scotland và hiệu ứng domino có thể kéo theo từ cuộc trưng cầu dân ý ủng hộ Anh rời EU. Trong khi đó Anh hiện là nơi đóng một số căn cứ tàu ngầm quan trọng của khu vực.
Căn cứ Falslane ở Scotland. Ảnh: AP
"Nếu Scotland trưng cầu dân ý rời Vương quốc Anh, Hải quân Hoàng gia Anh và cả Mỹ có thể sẽ không còn được tiếp cận căn cứ Faslane. Mỹ cũng không thể tiếp cận căn cứ tàu ngầm này trong trường hợp khẩn cấp", ông Zakheim nói.
Trong trường hợp đó, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh London có thể sẽ phải xây dựng một căn cứ tàu ngầm mới, song điều này là rất tốn kém và ảnh hưởng đến các chương trình quốc phòng khác của Anh.
Ông đặt ra giả thuyết rằng khi đó, Mỹ có thể sẽ phải thương lượng với Scotland. "Mỹ có thể trang trải chi phí để cả hải quân Mỹ và Anh có thể sử dụng căn cứ ở Faslane, giống như đang làm với các căn cứ quân sự ở khắp nơi trên thế giới".
Cựu quan chức quốc phòng người Mỹ cảnh báo rằng, “với sự phát triển quân sự của Nga, cũng như tầm quan trọng của khu vực GIUK, nơi tiếp giáp với Scotland, việc Mỹ không thể sử dụng căn cứ hải quân ở vịnh Faslane sẽ là mối lo ngại lớn cho Mỹ, Anh và NATO”. GIUK là vùng biển giáp ranh đảo Greenland, Iceland và Vương quốc Anh ở phía Bắc Đại Tây Dương.
Mặc dù vậy, ông Zakheim cũng khẳng định rằng hi vọng cho cả Mỹ và NATO vẫn còn. “Scotland đã tuyên bố rằng họ sẽ không buộc Anh phải rời vịnh Faslane trước năm 2020. Washington và London vì vậy sẽ có đủ thời gian để giảm bớt tác động xấu từ việc Scotland tuyên bố độc lập”.
Sau cùng, ông Zakheim nhấn mạnh rằng “điều quan trọng nhất là Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Anh cần phải nhanh chóng lên sẵn kế hoạch B nếu Scotland thực sự tách khỏi Anh.
Những nhận định trên được đưa ra sau khi kết quả trưng cầu dân ý tuần trước ở Anh cho thấy 52% cử tri Anh nhất trí ủng hộ Anh rời EU. Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát do báo Sunday Post thực hiện, gần 60% người dân Scotland đã ủng hộ độc lập khỏi Vương quốc Anh nếu một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức tại quốc gia này, sau khi Anh ủng hộ Brexit.