Mỹ đã làm gì với 5 lần thử hạt nhân của Triều Tiên?

Hôm nay (15-4) là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của Triều Tiên “Ngày của mặt trời”, kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Nhiều nhà phân tích và chuyên gia cảnh báo lãnh đạo Kim Jong-un có thể sẽ chào mừng ngày này bằng một vụ thử bom hạt nhân nữa, hay các hành động phô diễn sức mạnh quân sự khác.

Thời gian gần đây Triều Tiên liên tục đe dọa sẽ hủy diệt các căn cứ quân sự Mỹ ở Hàn Quốc nhằm đáp trả thái độ “khiêu khích quân sự điên cuồng” của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trả lời lại, chính phủ Trump cảnh cáo mọi phương án đối phó Triều Tiên đều được tính đến, kể cả tấn công phủ đầu. Ông Trump đe dọa sẽ không ngần ngại ra tay với Triều Tiên dù Trung Quốc có hợp tác hay không.

Mới đây, NBC News còn dẫn thông tin từ một số quan chức Mỹ rằng quân đội Mỹ đã vào vị trí sẵn sàng tấn công phủ đầu Triều Tiên nếu nước này thử hạt nhân lần thứ sáu. Mỹ cũng vừa triển khai một đội tàu tấn công, do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu, đến bán đảo Triều Tiên. Sự đối đầu nghiêm trọng giữa Mỹ và Triều Tiên đã khiến Trung Quốc phải lên tiếng can ngăn nhằm hạ nhiệt.

Ảnh vệ tinh chụp bãi thử Punggye-ri, nơi diễn ra nhiều vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: GETTY IMAGES

Ảnh vệ tinh chụp bãi thử Punggye-ri, nơi diễn ra nhiều vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Ảnh: GETTY IMAGES

Cả thế giới đang hồi hộp chờ xem điều gì sẽ xảy ra một khi Triều Tiên thử hạt nhân lần nữa. Cùng nhìn lại năm lần thử hạt nhân trước của Triều Tiên và phản ứng sau đó của Mỹ.

Vụ thử thứ nhất, tháng 10-2006: Quả bom hạt nhân trong lần thử thứ nhất này nặng chưa tới 1.000 tấn, rất nhỏ nếu so với những quả bom hạt nhân Mỹ đã thả xuống Nhật trong Thế chiến thứ hai.

Mỹ xem vụ thử này thất bại, dù thế các quan chức Mỹ cũng thúc giục LHQ trừng phạt, kêu gọi phong tỏa mọi xuất khẩu thiết bị quân sự đến Triều Tiên. LHQ sau đó ra một số biện pháp ngăn Triều Tiên nhập khẩu các thiết bị giúp mở rộng chương trình hạt nhân hay sức mạnh quân sự.

Vụ thử thứ 2, tháng 5-2009: Vụ thử diễn ra dưới lòng đất. Thời điểm đó, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ ghi nhận có chấn động tương đương động đất mạnh 4,7 độ Richter. Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James R. Clapper sau đó ước tính quả bom nặng khoảng 2.000 tấn.

Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama gọi vụ thử là “một sự đe dọa cực kỳ nghiêm trọng”, tuy nhiên các quan chức quân đội Mỹ thiên về biện pháp đối phó bằng ngoại giao chứ không phải quân sự. LHQ sau đó thắt chặt trừng phạt Triều Tiên, cấm hầu hết hoạt động nhập khẩu vũ khí của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi thanh tra kỹ hơn vũ khí Triều Tiên.

Vụ thử thứ 3, tháng 2-2013: Đây là vụ thử hạt nhân đầu tiên dưới quyền lãnh đạo mới của Triều Tiên, ông Kim Jong-un. Quả bom lần này lớn hơn rất nhiều các vụ thử trước, khoảng 6.000-7.000 tấn theo ước tính của chuyên gia. Vụ thử diễn ra cùng thời điểm Hàn Quốc bầu cử và Tổng thống Obama phát biểu thông điệp liên bang.

Mỹ triển khai một số lượng tên lửa phòng không và máy bay tàng hình ném bom hạt nhân đến Hàn Quốc. Ngoại trưởng Mỹ khi đó là ông John Kerry cảnh cáo Triều Tiên sẽ tan nát nếu đối đầu với Mỹ. LHQ một lần nữa thắt chặt trừng phạt, mở rộng phong tỏa tài sản với các cá nhân và tổ chức giúp đỡ chính phủ Triều Tiên.

Vụ thử thứ 4, tháng 1-2016: Lãnh đạo Triều Tiên lên truyền hình thông báo quả bom này là bom khinh khí - hydrogen, vụ thử này diễn ra dưới đất và thành công rực rỡ. Các nhà quan sát độc lập nói không thể xác nhận vụ nổ. Theo họ, nếu có thật thì cũng rất khó đo lường kích thước, tuy nhiên họ cũng ước tính quả bom nặng khoảng 4.000-5.000 tấn.

Tới vài tháng sau đó Quốc hội Mỹ mới ra luật cho phép chính phủ trừng phạt các cá nhân nhập hay xuất khẩu hàng hóa và giao dịch tài chính với Triều Tiên. LHQ ra nghị quyết cấm Triều Tiên thử công nghệ tên lửa đạn đạo. Nghị quyết cũng yêu cầu các nước thành viên thanh tra hàng hóa đến và đi từ Triều Tiên đi qua lãnh thổ mình. Tổng thống Obama và các đồng minh ở Thái Bình Dương đẩy mạnh hợp tác triển khai Hệ thống tên lửa phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn mới (THAAD). Triều Tiên đề nghị Tổng thống Obama từ bỏ kế hoạch triển khai hệ thống THAAD, thay vào đó Triều Tiên sẽ không thử hạt nhân nữa nhưng ông Obama bác bỏ.

Vụ thử thứ 5, tháng 9-2016: Chấn động từ vụ thử này tương đương động đất 5,3 độ Richter. Các chuyên gia tính toán quả bom nặng tới 10.000 tấn, mạnh gấp 10 lần lần thử đầu tiên và tương đương các quả bom Mỹ đã thả xuống hai TP Hiroshima và Nagasaki của Nhật.

Tổng thống Obama tuyên bố: “Mỹ không và không bao giờ chấp nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân”, ngay lập tức làm việc với LHQ để siết chặt trừng phạt hơn nữa. Trung Quốc, đồng minh của Triều Tiên và là thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an LHQ, lần này đã tham gia bỏ phiếu thuận nghị quyết lên án Triều Tiên. Trung Quốc cũng đồng ý cấm nhập khẩu than từ Triều Tiên - một đòn mạnh với kinh tế Triều Tiên.

Chưa rõ Mỹ sẽ hành động thế nào một khi vụ thử thứ sáu diễn ra như cảnh báo của các chuyên gia. Có thông tin Mỹ sẽ ra tay tấn công phủ đầu nhưng mọi cái vẫn còn ở phía trước.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm