Ngày 19-8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tuyên bố đình chỉ hiệp ước dẫn độ với Hong Kong. Đây là động thái mới của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung lên đến đỉnh điểm kể từ khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong, tờ South China Morning Post đưa tin.
Hiệp ước dẫn độ là một trong ba thỏa thuận song phương của Mỹ với Hong Kong mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ đình chỉ.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus Ảnh: AP
Bà Morgan Ortagus - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Các thỏa thuận này bao gồm việc giao nộp những kẻ phạm tội đào tẩu, chuyển giao những người bị kết án và miễn thuế đối ứng đối với thu nhập có được từ hoạt động quốc tế của các chuyến tàu”.
Bộ Ngoại giao cho biết động thái này tuân theo lệnh hành pháp ngày 14-7 của Tổng thống Trump. Cụ thể, ông tuyên bố luật an ninh quốc gia đã khiến Hong Kong “không còn đủ tự chủ để nhận được sự đối xử khác biệt với Trung Quốc đại lục”.
“Quyết định này nhấn mạnh mối quan tâm sâu sắc của chúng tôi về quyết định áp đặt luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh, đạo luật đã làm ảnh hưởng tới các quyền tự do của người dân Hong Kong” - bà Ortagus nói.
Trước đó, các nước gồm Úc, Canada, New Zealand, Đức, Pháp và Anh cũng đã đình chỉ các hiệp ước dẫn độ với Hong Kong.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra chưa đầy hai tuần sau khi chính quyền ông Trump ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Đặc khu trưởng Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga, cùng với 10 quan chức và cựu quan chức Trung Quốc khác.
Các biện pháp trừng phạt ông Trump nhằm loại bỏ bà Lâm và các quan chức khác ra khỏi hệ thống tài chính của Mỹ.
Luật an ninh quốc gia giúp Trung Quốc có quyền truy tố những người bị buộc tội về một số tội danh gồm ly khai, lật đổ, hoạt động khủng bố và cấu kết với nước ngoài hoặc với các yếu tố bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Bắc Kinh cho biết luật này có thể áp dụng cho bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Vài tuần sau khi luật an ninh quốc gia có hiệu lực, chính quyền Hong Kong đã ban hành lệnh bắt giữ đối với ông Samuel Chu - giám đốc điều hành của Hội đồng Dân chủ Hồng Kông (HKDC) - một nhóm vận động phi lợi nhuận ở Mỹ.
“Kể từ báo cáo đầu tiên về lệnh bắt giữ tôi theo luật an ninh quốc gia. Mỹ đã nhiều lần dứt khoát cho rằng các cáo buộc và lệnh bắt giữ là kỳ quặc, bất hợp pháp và chính quyền Hong Kong không có quyền áp dụng nó” - ông Chu nói.
Bà Victoria Tin-bor Hui - Giáo sư tại Đại học Notre Dame ở Indiana (Mỹ) - gọi việc Bộ Ngoại giao Mỹ đình chỉ thỏa thuận là "phản ứng cần thiết để bảo vệ tất cả công dân Mỹ gốc Hong Kong và những người khác đã lên tiếng về vấn đề Hong Kong".
“Bằng việc thu hồi quyền tự trị của Hong Kong, Bắc Kinh từ lâu đã thu được nhiều lợi ích về kinh tế từ đặc khu này” - bà nói.
Văn phòng Kinh tế và Thương mại Hong Kong có trụ sở tại Washington đã không trả lời câu hỏi về cách chính quyền thành phố này sẽ phản ứng với việc đình chỉ hiệp ước dẫn độ.