Họp báo tối 20-9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Tướng Joseph Dunford - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ thông báo triển khai thêm hàng trăm quân và một số lượng hệ thống phòng không đến Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Mục đích việc triển khai này nhằm tăng sức mạnh phòng thủ cho hai đồng minh này, sau vụ hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia bị tấn công cuối tuần trước, hãng Reuters đưa tin.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper (trái) và Tướng Joseph Dunford - Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ (phải) họp báo ngày 20-9 thông báo triển khai quân và hệ thống phòng không đến Saudi Arabia và UAE. Ảnh: GETTY IMAGES
Theo tin từ đài CBS, Mỹ vừa cho triển khai tàu khu trục tên lửa USS Nitze đến khu vực bờ biển phía đông bắc Saudi Arabia.
Tàu khu trục tên lửa USS Nitze của Mỹ. Ảnh: REUTERS
Tàu khu trục USS Nitze được trang bị hệ thống phóng tên lửa Aegis có khả năng bắn cả tên lửa SM-3 cho mục đích phòng thủ lẫn bắn tên lửa hành trình Tomahawk cho mục đích tấn công. Tầm bắn của tên lửa Tomahawk có thể bắn được tới bất cứ đâu ở Iran, nếu lệnh bắn được đưa ra.
Tăng sức mạnh cho đồng minh
Bộ trưởng Esper cho biết Mỹ có động thái này thể theo yêu cầu hỗ trợ của Saudi Arabia và UAE. Ông Esper cho biết việc triển khai này có ba mục tiêu: giúp tăng sức mạnh phòng thủ của Saudi Arabia và UAE, bảo đảm tự do lưu thông thương mại ở vịnh Ba Tư và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp mà Iran đang coi thường.
Công nhân đang khắc phục nhà máy lọc dầu Abqaiq (Saudi Arabia) bị hư hại sau khi bị tấn công, ngày 20-9. Ảnh: REUTERS
Ông Esper nói Saudi Arabia vẫn còn có nguy cơ bị tấn công dù ngày trước đó nhóm phiến quân Houthis ở Yemen, nhóm nhận trách nhiệm tấn công hai nhà máy lọc dầu, thông báo sẽ ngưng tấn công Saudi Arabia nếu liên quân Ả Rập do Saudi Arabia dẫn đầu ngừng can thiệp quân sự vào Yemen. Saudi Arabia chưa chính thức phản hồi đề nghị này.
Sau vụ hai nhà máy lọc dầu Saudi Arabia bị tấn công có nhiều ý kiến xoáy vào việc nước này đã tốn hàng tỉ USD chi mua vũ khí phòng không, như mua hệ thống phòng không Patriot từ Mỹ mà vẫn không an toàn. Có ý kiến phân tích rằng cái Saudi Arabia cần là “nhiều tầng lớp phòng thủ, trong đó có hệ thống phòng thủ tầm ngắn, để có thể phản ứng nhanh với các đe dọa nhỏ bằng các hệ thống rẻ tiền hơn thay vì các hệ thống Patriot quá mắc tiền”.
Các địa điểm đặt các hệ thống phòng không của Saudi Arabia và của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (trong vòng tròn: vùng phát hiện; màu đỏ: vùng tiêu diệt), dựa vào dữ liệu do một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cung cấp. Ảnh: RT
Ngày 20-9, ông Esper thừa nhận hệ thống phòng thủ nhiều tầng lớp có thể bảo vệ Saudi Arabia tốt hơn trong trường hợp bị tấn công bằng cả máy bay không người lái và tên lửa. Nhưng ông Esper cũng nói rằng không hệ thống phòng không nào có thể ngăn chặn tất cả cuộc tấn công dạng này.
Ngày 20-9, Bộ trưởng Esper cũng quy trách nhiệm vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu Saudi Arabia cho Iran, lên án đây là một sự leo thang gây hấn nghiêm trọng. Một nguồn tin quan chức Mỹ nói với Reuters là vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu Saudi Arabia có thể do chính lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei chỉ đạo. Iran trước sau vẫn bác bỏ cáo buộc, khẳng định mình không liên quan.
Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif còn yêu cầu Saudi Arabia cho Iran tiếp cận những bộ phận còn lại của các máy bay không người lái và tên lửa mà Saudi Arabia cho là đã được sử dụng trong vụ tấn công và được nước này thu thập sau vụ việc.
Ông Zarif cáo buộc Mỹ cố gắng lái sự chú ý khỏi các vấn đề thực sự của khu vực, đồng thời cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào vào Iran cũng sẽ kích hoạt một cuộc chiến tranh toàn diện. Và nơi đón nhận sẽ là các mục tiêu của Mỹ và của các đồng minh như Saudi Arabia, UAE.
Saudi Arabia công bố các mảnh vỡ mà nước này cho là từ các máy bay không người lái và tên lửa của Iran được sử dụng trong vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu của mình. Ảnh: GETTY IMAGES
Phần Saudi Arabia, ngày 21-9, Ngoại trưởng nước này Adel al-Jubeir cho biết sẽ chờ kết luận điều tra rồi mới tính tới chuyện phản ứng.
Khu vực có nguy cơ căng thẳng và bất ổn hơn
Tướng Dunford cho biết chi tiết chính xác hoạt động của các binh sĩ và hệ thống phòng không triển khai đến Saudi Arabia và UAE lần này vẫn đang được tính toán.
Đây là đợt triển khai quân và vũ khí mới nhất của Mỹ đến vùng Vịnh. Reuters gần đây từng đưa tin Bộ Quốc phòng Mỹ cân nhắc đưa tên lửa phòng thủ, máy bay không người lái và máy bay chiến đấu đến khu vực. Mỹ cũng đang cân nhắc khả năng duy trì một tàu sân bay tại khu vực thường xuyên. Những tháng gần đây Bộ Quốc phòng Mỹ từng đưa nhiều vũ khí, khí tài đến khu vực song song với việc thực hiện chiến dịch tối đa hóa áp lực trừng phạt lên Iran.
Công nhân đang khắc phục nhà máy lọc dầu Abqaiq (Saudi Arabia) bị hư hại sau khi bị tấn công, ngày 20-9. Ảnh: REUTERS
Ngày 20-9 ông Esper nói Mỹ không tìm kiếm chiến tranh với Iran. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20-9 nói ông vẫn chọn lựa kiềm chế đánh Iran, thay vào đó áp một đợt trừng phạt nhắm vào Ngân hàng Trung ương Iran, Quỹ Phát triển Quốc gia Iran.
Nhà báo Sebastian Usher chuyên viết về các vấn đề Ả Rập nhận định cả Mỹ và Iran dù có các phát ngôn và động thái đe dọa lẫn nhau nhưng các bên đều hy vọng có thể không phải đối đầu quân sự trực tiếp. Tuy nhiên ông lo ngại các diễn biến nguy hiểm vài tuần qua có thể đưa Mỹ và Iran đến bên bờ vực chiến tranh.
Sau khi có thông tin triển khai quân và vũ khí từ phía Mỹ đến khu vực, phát biểu trên truyền hình nhà nước Iran ngày 21-9, Thiếu tướng Hossein Salami – Chỉ huy Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran cảnh cáo Mỹ “cẩn thận và đừng có sai lầm nào”.
“Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép chiến tranh tràn vào lãnh thổ của mình. Chúng tôi sẽ truy đuổi mọi kẻ tấn công. Chúng tôi sẽ chưa dừng lại đến chừng nào tiêu diệt toàn diện mọi kẻ xâm lược” – ông Salami tuyên bố.
Thiếu tướng Hossein Salami – Chỉ huy Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Iran cảnh cáo Mỹ “cẩn thận và đừng có sai lầm nào”. Ảnh: GETTY IMAGES
Cùng ngày, ông Amirali Hajizadeh - Chỉ huy của Lực lượng Không gian vũ trụ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cảnh cáo mọi cuộc tấn công vào Iran sẽ nhận “phản ứng tàn phá”. Ông Hajizadeh phát biểu tại cuộc trưng bày các máy bay không người lái của Mỹ mà Iran bắn rơi hoặc bắt được thời gian qua, tại Tehran ngày 21-9.
Chưa rõ viễn cảnh xung đột giữa Mỹ và Iran có thành sự thực không nhưng trước mắt có nhiều ý kiến lo ngại về triển khai quân và sức mạnh phòng không của Mỹ sẽ càng khiến khu vực căng thẳng và có nguy cơ bất ổn hơn. Các đợt triển khai quân, vũ khí, khí tài của Mỹ đến khu vực trong vài tháng gần đây đã gặp phản ứng mạnh từ Iran. Sau các đợt triển khai này của Mỹ đã có hàng loạt vụ tàu dầu bị tấn công ở vùng Vịnh mà Mỹ cho Iran là thủ phạm, dù Iran bác bỏ.
Mỹ cũng đang thận trọng với nguy cơ bị kéo vào một cuộc xung đột nữa ở Trung Đông. Mỹ có quân ở Syria và Iraq – hai nước mà Iran có ảnh hưởng mạnh, chưa kể có nhiều lực lượng thân Iran hoạt động tự do. Nhiều quan chức Mỹ lo ngại các lực lượng thân Iran có thể tấn công lính Mỹ ở hai nước này, và điều này một khi xảy ra có thể dễ dàng kích động một cuộc xung đột khu vực lớn hơn.