Mỹ, EU giáng đòn trừng phạt Nga sau động thái Moscow tấn công Ukraine

Hãng Reuters đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24-2 đã giáng các đòn trừng phạt nhằm vào Nga, các biện pháp cản trở việc Moscow kinh doanh bằng các loại tiền tệ chính, cùng các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.

Động thái trên được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24-2 tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

 Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: REUTERS

Về phía Mỹ

Theo Reuters, hiện ông Biden chưa áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính ông Putin, cũng như chưa loại Nga khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT.

Vẫn còn tồn tại những khác biệt giữa Mỹ và các đồng minh về việc phải đi bao xa trong việc trừng phạt Nga vào thời điểm này, cũng như những lời chỉ trích tại Mỹ rằng ông Biden đáng lẽ phải đưa ra nhiều động thái hơn.

Ông Biden cho biết quan hệ Nga-Mỹ sẽ rạn nứt hoàn toàn nếu Moscow tiếp tục con đường đang đi và các biện pháp trừng phạt khác đang được lên kế hoạch.

"Đây là một cuộc tấn công được tính toán trước" – ông Biden cho biết, nói thêm rằng “ông Putin đã chọn cuộc chiến này. Và giờ ông ấy và đất nước của ông ấy sẽ gánh chịu hậu quả".

Ông Biden cho biết các biện pháp trừng phạt được thiết kế để có tác động lâu dài đối với Nga và giảm thiểu tác động đối với Mỹ cùng các đồng minh. 

Theo đó, các bước đi bao gồm nhắm vào năm ngân hàng lớn của Nga, trong đó có Sberbank và VTB, cũng như các thành viên của giới thượng lưu Nga và gia đình của họ. 

Sberbank - công ty cho vay lớn nhất của Nga - sẽ không thể chuyển tiền với sự hỗ trợ của các ngân hàng Mỹ. 

Ông Biden cho biết các biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế khả năng Nga kinh doanh bằng đồng USD, EUR, GBP và yen.

Nhà Trắng cũng công bố các hạn chế xuất khẩu đối với Nga nhằm hạn chế khả năng tiếp cận xuất khẩu toàn cầu của nước này đối với mọi loại hàng hóa, từ điện tử thương mại, máy tính đến chất bán dẫn và các bộ phận máy bay. 

Ông Biden cho biết Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ họp vào ngày 25-2 để vạch ra các biện pháp tiếp theo.

Nhà lãnh đạo Mỹ nhắc lại rằng Washington sẽ không tham chiến với Nga. Tuy nhiên, ông cho biết Mỹ sẽ đáp ứng các cam kết tại Điều 5, trong đó các thành viên NATO đồng ý rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một trong số họ ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả. 

Vì Ukraine không phải là thành viên NATO nên những biện pháp bảo vệ đó không được áp dụng.

Ông Biden nhấn mạnh rằng đây là "thời khắc nguy hiểm đối với toàn châu Âu". Ông từ chối bình luận về việc liệu ông có thúc giục Trung Quốc tham gia vào nỗ lực cô lập Nga của phương Tây hay không.

Theo đài RT, ông Biden hôm 24-2 cho biết ông "không có kế hoạch" nói chuyện với người đồng cấp Putin.

Về phía Liên minh châu Âu (EU)

Các nhà lãnh đạo khối này hôm 24-2 đã nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Nga, Reuters đưa tin.

Tuy nhiên, EU chưa đưa ra các biện pháp khắc nghiệt nhất mà phía Ukraine đang tìm kiếm.

EU nhất trí áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Nga. Ảnh: REUTERS

Các nhà lãnh đạo của khối 27 quốc gia đã chỉ trích ông Putin tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp ở Brussels hôm 24-2, trong đó Thủ tướng Latvia - ông Krisjanis Karins - mô tả ông Putin là người "gây ra khốn khổ cho hàng triệu người".

Theo Reuters, EU sẽ đóng băng tài sản của Nga trong khối và ngăn chặn khả năng tiếp cận thị trường tài chính châu Âu của các ngân hàng Nga.

Ông Josep Borrell - đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU - mô tả đây là "gói trừng phạt khắc nghiệt nhất mà chúng tôi từng thực hiện".

Các biện pháp trừng phạt cũng sẽ nhắm vào các lĩnh vực năng lượng và vận tải của Nga, đồng thời tìm cách kìm hãm hoạt động thương mại và sản xuất của nước này bằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu.

Theo Reuters, hiện vẫn tồn tại sự khác biệt trong EU trong việc tiến hành các biện pháp trừng phạt, trong bối cảnh các quốc gia cân nhắc về những tác động đối với nền kinh tế.

Trong tuyên bố nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh hôm 24-2, các nhà lãnh đạo EU cho biết vòng trừng phạt mới "sẽ gây ra những hậu quả to lớn và nghiêm trọng đối với Nga vì những hành động của mình, với sự phối hợp chặt chẽ cùng các đối tác và đồng minh".

Tài sản của Nga ở EU sẽ bị đóng băng và quyền tiếp cận của các ngân hàng Nga với thị trường tài chính của châu Âu sẽ bị chặn.

Trước đó, EU hôm 23-2 đã thông qua vòng trừng phạt đầu tiên, gồm việc đưa các chính trị gia Nga vào danh sách đen và hạn chế thương mại giữa EU và hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine mà Moscow đã công nhận nền độc lập.

EU cũng sẽ chuẩn bị một gói viện trợ mới cho Ukraine và các biện pháp trừng phạt mới đối với Belarus.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm