Chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, nhiều tiểu bang ở Mỹ báo cáo số ca nhiễm cao kỷ lục, khiến tổng số ca nhiễm trong một ngày ở quốc gia này lên đến 26.473 ca. Tính đến sáng 2-4 (giờ Việt Nam), Mỹ đã có 215.003 ca nhiễm, cao nhất thế giới hiện nay.
Kéo theo đó, số ca tử vong ở nước này cũng đang gia tăng báo động. Chỉ trong một ngày, Mỹ ghi nhận 1.049 ca tử vong - con số kỷ lục từ trước đến nay, đưa tổng số ca tử vong ở nước này lên con số 5.102.
Đặc biệt, bang Connecticut ghi nhận một trường hợp tử vong sơ sinh. Ông Ned Lamont, thống đốc bang, cho biết đứa trẻ chỉ mới sáu tuần tuổi, được đưa vào bệnh viện tuần trước nhưng không qua khỏi, theo đài CNN.
Cân nhắc khuyến cáo dân đeo khẩu trang
Ngoài ra, một báo cáo mới đây từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy virus SARS-CoV-2 có thể lây lan trước khi bệnh nhân có triệu chứng. Cụ thể, virus sẽ được lây truyền khi trực tiếp hoặc thông qua các giọt bắn, xảy ra khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi.
Tại Mỹ, ước tính 25% người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng, theo ông Robert Redfield - Giám đốc CDC.
"Hiện nay, một số lượng đáng kể cá nhân bị nhiễm bệnh thực sự vẫn không có triệu chứng. Con số này có thể là 25%" - Giám đốc CDC, TS Robert Redfield nói với đài NPR.
Điều này khiến các quan chức y tế Mỹ suy nghĩ lại về việc liệu có nên khuyến nghị và hướng dẫn người dân đeo khẩu trang hay không. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chủ trương mọi người chỉ cần bịt khẩu trang khi bị bệnh, người chăm sóc người bệnh, hoặc là nhân viên y tế.
Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Elmhurst ở Queens. Ảnh: NEW YORK TIMES
Theo lời Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) hôm 1-4, WHO đang "tiếp tục nghiên cứu bằng chứng" về việc liệu có nên khuyến cáo người dân có nên sử dụng khẩu trang trong đại dịch COVOD-19 hay không.
"WHO khuyến cáo khẩu trang là dành cho người bệnh và người chăm sóc. Đây vẫn là một loại virus rất mới và chúng tôi luôn vẫn đang tiếp tục tìm hiểu nó. Khi đại dịch phát triển, những dấu hiệu về dịch bệnh cũng thay đổi và lời khuyên của chúng tôi cũng vậy" - ông Tedros nói.
Một bác sĩ phẫu thuật Mỹ - Tiến sĩ Jerome Adams từng khuyên người dân không nên đeo khẩu trang, nói rằng chúng có thể gây hại nhiều hơn là có lợi.
"Tuy nhiên trong tuần này, thông tin mới về khả năng lây lan khi người nhiễm chưa có triệu chứng có thể thay đổi các hướng dẫn công khai" - Tiến sĩ Adams nói.
Tuy nhiên, việc sử dụng khẩu trang rộng rãi khó khả thi vì hiện số lượng khẩu trang cho nhân viên y tế còn không có đủ.
"Chúng tôi đang thiếu hụt toàn cầu. Ngay bây giờ, những người có nguy cơ lây nhiễm virus cao nhất là nhân viên y tế tuyến đầu, những người tiếp xúc với virus từng giây mỗi ngày. Ý nghĩ về việc họ không có khẩu trang để đeo thật là khủng khiếp" - Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO, cho biết.
Hiệu quả từ việc giãn cách xã hội
Khoảng 90% dân số Mỹ hiện sống ở các đia phương có lệnh phải ở nhà, theo số liệu của CNN dựa trên các lệnh từ tiểu bang, quận và thành phố. Hiện chỉ còn khoảng 10 tiểu bang chưa ban hành lệnh buộc người dân ở nhà.
Ngày 1-4, các bang Florida, Georgia và Mississippi đã ban hành lệnh buộc người cao tuổi và những người có bệnh nền tiềm ẩn phải ở nhà và những người khác phải hạn chế ra ngoài. Lệnh này bắt đầu có hiệu lực vào đầu ngày 3-4.
Có nhiều ý kiến rằng quy mô giãn cách xã hội hiện tại ở Mỹ không đủ và đang kêu gọi chính phủ ra quy định giãn cách xã hội trên toàn quốc gia, khi loại virus chết người này có tốc độ lây lan gấp đôi so với bệnh cúm.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump vẫn nói rằng yêu cầu giãn cách xã hội toàn quốc gia là không cần thiết.
Những người vô gia cư nằm ngủ tại một bãi xe ở Las Vegas, Nevada. Họ được yêu cầu nằm cách xa nhau để hạn chế lây lan COVID-19. Ảnh: REUTERS
Các quan chức y tế thì cho biết những nỗ lực từ việc giãn cách xã hội đang có những hiệu quả ban đầu, kể cả quận King ở bang Washington - là tâm dịch đầu tiên ở Mỹ.
Tiến sĩ Jeff Duchin - chuyên gia về y tế công cộng của TP Seattle và quận King cho biết: "Việc giảm tiếp xúc giữa người với người đã dần được cải thiện lượng ca nhiễm và tạo ra một tác động rất tích cực".
Ở New York, một phân tích của CNN cho thấy mức tăng trung bình hằng ngày trong tuần qua là 17%, giảm đáng kể so với tỉ lệ bảy ngày trước đó là 58%.
Tại châu Âu, các nhà khoa học tại Đại học Hoàng gia London đã nghiên cứu thấy việc cách ly xã hội ở 11 quốc gia châu lục này đã có tác động đáng kể đến việc hạn chế lây nhiễm virus và tránh được 59.000 ca tử vong do dịch bệnh.