“Chúng tôi rất quan ngại về hiệu quả cuộc chiến ở đó và mong muốn được nhìn thấy các hành vi thù địch chấm dứt trước khi IS có cơ hội tái sinh ở Đông Syria” - tướng Rob Manning, người phát ngôn Lầu Năm Góc nói.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bắt đầu lập nhóm trở lại tại một số nơi. “Cuộc chiến ở phía Tây Syria trong hai tháng qua, bao gồm ở Afrin, đã làm phân tán nỗ lực đánh bại IS và còn tạo cơ hội cho IS tái sinh ở một số khu vực” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhấn mạnh trong một thông cáo hôm 19-3.
Lính Mỹ đeo huy hiệu của lực lượng dân quân người Kurd (YPG) chống IS. Ảnh: Twitter
Nhiều tuần qua, giới chức Mỹ đã lên tiếng cảnh báo chiến dịch quân sự loại bỏ người Kurd ở Afrin của Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm xáo trộn cuộc chiến chống IS. Sở dĩ, các tay súng người Kurd là lực lượng nòng cốt giúp Mỹ đánh nhóm khủng bố quốc tế này nhưng vì chiến dịch Cành ô liu của Thổ Nhĩ Kỳ, họ buộc phải chạy tới Afrin để ứng cứu đồng bào của họ.
Dẫu vậy, Ankara nói các đồng minh người Kurd của Mỹ cũng là quân khủng bố để đáp trả thông cáo của bà Nauert. “Tuyên bố nói chiến dịch Cành ô liu loại bỏ những kẻ khủng bố ở Afrin sẽ gây nguy hiểm cho cuộc chiến chống IS là hoàn toàn vô căn cứ. Cách tiếp cận để một tổ chức khủng bố này chống lại một tổ chức khủng bố khác mới thực sự làm suy yếu cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố ở Syria” - thông cáo phát đi từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả.
Giới chức Mỹ vẫn khăng khăng các nỗ lực đánh bại IS đã hoàn toàn chậm lại. Tướng Manning nói rằng các chiến dịch chống IS trong khu vực đã không theo được đà quay mà họ đã có trước khi chiến dịch quân sự diễn ra ở Afrin. Ông Manning nói thêm “chúng tôi không thể cho phép IS lấy được đà mà trỗi dậy tại điểm nóng trọng yếu này”.
Mỹ ban đầu bảo trợ cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) trong cuộc chiến chống IS. SDF là tổ chức gồm 50% tay súng người Ả Rập, 50% tay súng người Kurd, tuy nhiên phần lớn người Kurd nắm vai trò lãnh đạo tổ chức này.
Đội quân cờ đen IS tuyên bố thành lập đế chế Hồi giáo Caliphate ở Syria và Iraq. Ảnh: AFP
Trong bài phát biểu vạch ra chính sách ở Syria của chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi tháng 1, Ngoại trưởng Rex Tillerson nói rõ Mỹ vẫn duy trì hiện diện ở Syria cho tới khi IS tháo chạy.
Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ cùng một nhóm nổi dậy đồng minh là Quân đội Syria Tự do (FSA) hôm 18-3 đã chiếm trọn Afrin vốn do người Kurd kiểm soát giữa lúc xuất hiện báo cáo về các vụ cướp bóc, chết chóc dân thường và ném bom vào bệnh viện.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói thông cáo của bà Nauert chứng tỏ “giới chức Mỹ vẫn không thể và khốn nỗi là cũng không muốn hiểu lý do, mục đích và bản chất của chiến dịch Cành ô liu. Chiến dịch này được phát động là để loại bỏ chủ nghĩa khủng bố. Chiến dịch này dứt khoát không tấn công dân thường”.
Hơn 150.000 người ở Afrin đã bỏ nhà lánh nạn trong vài ngày qua, theo một quan chức người Kurd cấp cao. Thị trấn Manbij, nơi lực lượng Mỹ huấn luyện các tay súng người Ả Rập địa phương, cũng là mục tiêu tiếp theo trong chiến dịch Cành ô liu của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara tiếp tục yêu cầu người Kurd rút khỏi đó, còn giới chức Mỹ bóng gió đáp trả và đã tăng quân ở Manbij để bảo vệ lực lượng Mỹ.
Ibrahim Kalin, phát ngôn viên tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói Washington có thể chọn các đối tác khác cùng mình đánh bại đội quân cờ đen. “Cuộc chiến chống IS có thể tiến hành cùng với các lực lượng khác, có thể là lực lượng người Kurd không nằm trong Đảng Công nhân người Kurd (PKK), những người mà Thổ Nhĩ Kỳ không cho là mối đe dọa chẳng hạn như người Ả Rập và nhiều người Syria khác” - ông gợi ý.