Đây là quan điểm được Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đưa ra tại cuộc họp báo về kết quả Hội nghị Bộ trưởng phụ trách thương mại (MRT) của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), diễn ra trưa 21-5 tại Hà Nội.
Trả lời câu hỏi của báo giới về việc Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có Mỹ, đại diện thương mại Mỹ cho biết Mỹ đã rút khỏi TPP và không thay đổi quan điểm, quyết định này của mình. Tuy vậy, Mỹ vẫn là quốc gia nhập khẩu, xuất khẩu lớn của khu vực này. Mỹ vẫn tiếp tục hợp tác với thành viên của khu vực ở kênh song phương.
Các Bộ trưởng thương mại APEC tham gia cuộc họp báo sau khi kết thúc hội nghị vào trưa ngày 21-5. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG
“Tổng thống Mỹ đã nói rõ: Hợp tác thương mại song phương sẽ có lợi cho Mỹ hơn so với đa phương. TPP không đáp ứng cho lợi ích của Mỹ nhưng không có nghĩa chúng tôi quay lưng lại với khu vực này mà ngược lại chúng tôi mong muốn đi song phương, giành thời gian công sức để thoả thuận các hiệp định song phương”- Ông Robert Lighthizer nói.
Theo ông Robert Lighthizer, Tổng thống Mỹ cam kết mạnh mẽ với khu vực, bởi đây là khu vực tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới và Mỹ là quốc gia lớn nhất trong khu vực này. “Vì thế chúng tôi sẽ không thu mình lại với khu vực. TPP với 11 quốc gia sẽ có thể đưa ra quyết định của mình và Mỹ có quyết định riêng của mình; nhưng chúng ta vẫn có thể cam kết hợp tác với nhau bằng các hiệp định song phương”- Đại diện thương mại Mỹ nhắc lại quan điểm.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay cho biết, cuộc họp của các bộ trưởng TPP 11 khẳng định có nhiều kết quả tích cực. TPP là hiệp định chất lượng cao và mong muốn tiếp tục triển khai hiệp định này để đem lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp. Trong vài tháng tới các nước TPP sẽ có hành động cụ thể để triển khai TPP.
“Các quốc gia TPP 11 có nhiều điểm chung, có những quy định chất lượng cao ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nếu được triển khai thì sẽ đem lại kết quả tích cực cho khu vực”- Vị này chia sẻ.
Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh (trái) trò chuyện với Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer (giữa) sau cuộc họp báo kết thúc Hội nghị MRT. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG
Trước đó, tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đã thông báo kết quả của Hội nghị MRT. Theo đó, MRT 23 diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế khu vực và thế giới có dấu hiệu khởi sắc hơn.
Cơ quan nghiên cứu chính sách của BTK APEC (PSU) dự báo tăng trưởng của khu vực năm 2017 có thể cao hơn so với mức trung bình của thế giới (3,8% so với 3,5%) và điều đáng mừng là APEC vẫn tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. APEC đã và đang được coi là vườn ươm của các sáng kiến mới về kinh tế, thương mại, đầu tư, tăng trưởng và sáng tạo v.v.
Các thành viên MRT đều ủng hộ mạnh mẽ sự cần thiết duy trì vai trò của APEC là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực, là cái nôi của các ý tưởng hợp tác, liên kết khu vực, vì thịnh vượng chung của châu Á - Thái Bình Dương. Hội nghị nhất trí tiếp tục thúc đẩy việc hoàn tất các Mục tiêu Bô-go về tự do hóa thương mại và đầu tư vào năm 2020.
Hội nghị MRT đã thể hiện quyết tâm của APEC trong việc tiếp tục xây dựng một hệ thống thương mại đa phương bền vững, minh bạch, lấy luật lệ làm cơ sở và là nền tảng quan trọng cho thương mại quốc tế.
Là nước chủ nhà APEC 2017, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng, coi châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có các cơ chế hợp tác ở khu vực như Diễn đàn APEC, là một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình.