Sau hàng tháng bàn bạc, Hải quân Mỹ vừa ký hợp đồng mua cùng lúc hai tàu sân bay lớp Ford với số tiền cực lớn: 14,9 tỉ USD, Stars and Stripes dẫn thông báo của Hải quân Mỹ ngày 31-1.
Nhà thầu quốc phòng được Hải quân Mỹ ký hợp đồng đóng hai tàu sân bay lớp Ford là công ty đóng tàu quân sự lớn nhất Mỹ Huntington Ingalls.
Hai siêu tàu sân bay 100.000 tấn sẽ được đóng từ xưởng đóng tàu của Huntington Ingalls ở TP Newport News, bang Virginia, và dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 2-2034, Stars and Stripes dẫn thông báo của Hải quân Mỹ.
Tuy nhiên theo một báo cáo hồi tháng 10-2018 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội thì thời hạn hoàn thành hai tàu này sớm hơn nhiều. Theo báo cáo, con tàu thứ nhất đã được đặt tên là USS Enterprise, sẽ được Huntington Ingalls chuyển giao cho Hải quân Mỹ vào tháng 9-2027. Con tàu thứ hai được biết đến với tên gọi CVN-81 sẽ được chuyển giao vào tháng 9-2032.
Hai tàu này sẽ là tàu sân bay lớp Ford thứ ba và thứ tư của Hải quân Mỹ. Trước đó Hải quân Mỹ đã mua hai tàu USS Gerald R. Ford và USS John F. Kennedy. Tàu USS Gerald R. Ford đã được bàn giao và tàu USS John F. Kennedy hiện đang trong quá trình đóng.
Tàu sân bay USS Gerald R. Ford tại TP Newport News, bang Virginia (Mỹ), từng được Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm tháng 12-2018. Ảnh: AFP
Hai tàu sân bay lớp Ford thứ ba và thứ tư dự kiến sẽ thay thế cho các tàu sân bay lớp Nimitz lâu đời vốn có vai trò lớn với Hải quân Mỹ từ thập niên 1970.
Tổng chi phí của dự án mua hai tàu sân bay lớp Ford này được tính toán sẽ lên đến 24 tỉ USD một khi hoàn tất. Theo thông tin từ USNI thì trên các tàu sân bay này sẽ được trang bị hệ thống máy phóng máy bay điện tử EMAILS đắt tiền. Con tàu sân bay lớp Ford đầu tiên của Hải quân Mỹ – tàu USS Gerald R. Ford vượt ngân sách tới 20%, tới 13 tỉ USD.
Hai tàu sân bay lớp Ford này có thiết kế và công nghệ mới, một số công nghệ còn chưa được thử nghiệm nhiều. Hệ thống máy phóng máy bay điện tử EMAILS chỉ mới được thử nghiệm lần đầu tiên năm 2017.
Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spencer khẳng định hai tàu sân bay này sẽ giúp tiết kiệm hàng tỉ USD cho quân đội Mỹ. Ông Spencer tính toán chính phủ Mỹ được lợi ít nhất 4 tỉ USD khi mua cùng lúc hai tàu này, Bloomberg đưa tin.
Tuy nhiên nghị sĩ Cộng hòa Jim Inhofe, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện từng nhiều lần tỏ thái độ không hài lòng về chuyện mua hai tàu sân bay này. Đặc biệt khi tàu USS Gerals R. Ford gặp một số vấn đề lớn vẫn chưa được giải quyết. Chẳng hạn con tàu được chuyển giao mà các hệ thống nâng vũ khí lại không hoạt động”.
Tới tận tuần trước cũng chỉ mới có một hệ thống nâng vũ khí hoạt động, theo thông tin từ Sputnik. Toàn bộ 11 hệ thống nâng vũ khí của tàu sân bay USS Gerald R. Ford dự kiến sẽ hoạt động hết vào mùa hè năm nay. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng có chuyến thăm tàu sân bay này cuối tháng 12-2018 và từng có ý băn khoăn về hiệu quả hoạt động của hệ thống máy phóng máy bay điện tử này.
Đáng nói hơn, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan từng phàn nàn loại tàu sân bay lớp Ford này “hoạt động nghèo nàn và không đáng tin”. Cố nghị sĩ Cộng hòa John McCain từng gọi ý định mua hai tàu này là “một thất bại lớn”. Và tổ chức phi lợi nhuận Dự án Giám sát Chính phủ từng xem việc mua hai tàu này là một “việc mua sắm thiếu tỉnh táo”.
Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, Hải quân Mỹ từng hai lần ký hợp đồng mua cùng lúc hai tàu sân bay. Một vào năm 1983 mua hai tàu USS Abraham Lincoln và USS George Washington. Hai vào năm 1988 mua cùng lúc tàu USS John C. Stennis và USS Harry S. Truman.