Mỹ: Kỳ vọng có thêm hoạt động an ninh - quân sự chung với ASEAN

Ngày 9-8, tại Manila (Philippines) diễn ra phiên họp báo trực tuyến do Đại biện Mỹ lâm thời tại Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Melissa Brown chủ trì. Tại cuộc họp báo, Đại biện Mỹ Brown tiếp tục tái khẳng định các cam kết của Mỹ về việc sát cánh cùng ASEAN duy trì trật tự khu vực dựa trên luật pháp, giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông và nỗ lực đẩy lùi đại dịch COVID-19 ở Đông Nam Á.

Mỹ - ASEAN đứng chung trên nhiều vấn đề

Theo bà Brown, cũng như nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump trước đó, Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden vẫn sẽ cùng ASEAN giải quyết các thách thức cấp bách trong khu vực như an ninh hàng hải, tội phạm xuyên quốc gia, khủng bố, khủng hoảng nhân đạo và bảo vệ quyền của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

“Mỹ có chung lợi ích với ASEAN khi Đông Nam Á phát triển hòa bình, ổn định và bền vững. Kể từ năm 2020, cơ hội để hai bên hợp tác là rất nhiều, nhất là khi ASEAN đang ngày càng thể hiện được vai trò của mình là một diễn đàn tích cực giữa các quốc gia thành viên thống nhất và cùng chung tiếng nói” - bà Brown khẳng định.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa) tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) trực tuyến ngày 6-8. Ảnh: TGVN

329 tỉ USD là khoản đầu tư trực tiếp từ Mỹ vào thị trường của các nước ASEAN trong năm 2020, theo số liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ, đưa nước này trở thành nguồn đầu tư lớn nhất của ASEAN hiện nay. 

Bên cạnh đó, bà Brown cũng cho hay Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khi tham dự Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) trực tuyến hôm 6-8 đã khẳng định ASEAN có vị thế quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và sự hiện diện của Mỹ ở khu vực này sẽ không thể được duy trì hiệu quả nếu thiếu sự ủng hộ của những nước thành viên khối này.

“Mỹ và ASEAN có chung lập trường rằng tất cả mâu thuẫn, nhất là trong vấn đề Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1986. Mỹ cũng yêu cầu Trung Quốc phải chấm dứt các chính sách gây bất ổn ngoài thực địa” - theo bà Brown. Bà khẳng định ông Blinken rất kỳ vọng thời gian tới ASEAN và Mỹ sẽ có thể có một số các hoạt động an ninh - quân sự chung trong khuôn khổ chuỗi tập trận trên các vùng biển toàn cầu mà nước này vừa công bố tuần trước.

Tình hình bất ổn chính trị Myanmar cũng là một vấn đề Mỹ rất quan tâm. Bà Brown cho biết quan điểm chung của Bộ Ngoại giao Mỹ là không chấp nhận hành vi đối đầu bạo lực của chính quyền quân sự Myanmar với người biểu tình. Bà Brown cũng nêu ý kiến rằng các quan chức thuộc phe dân sự phải được trả tự do.

Mỹ kêu gọi các đối tác ASEAN đẩy mạnh hành động để quân đội Myanmar thực hiện nội dung đồng thuận năm điểm đưa ra hồi tháng 4. Bà Brown cũng hoan nghênh việc Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei - ông Erywan Yusof Erywan được bổ nhiệm làm đặc phái viên của ASEAN tại Myanmar.

Mỹ tiếp tục hỗ trợ ASEAN chống dịch

Bàn về vấn đề dịch COVID-19, Đại biện Mỹ Brown chia sẻ những khó khăn mà các thành viên ASEAN phải đối mặt trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch trong nước và nhấn mạnh Mỹ sẽ hỗ trợ các nước trong khối nhiều nhất có thể. Cho đến nay, Mỹ đã cung cấp hơn 23 triệu liều vaccine và hơn 158 triệu USD viện trợ khẩn cấp cho các nước thành viên ASEAN để ứng phó với dịch COVID-19. Bà Brown nêu rõ rằng: “Chúng tôi cung cấp miễn phí các loại vaccine này cho các bạn mà không cần bất kỳ ràng buộc về chính trị hoặc kinh tế nào cả”.

Trong thời gian tới, Mỹ dự kiến sẽ ủng hộ thêm khoảng 500.000 USD cho Quỹ ứng phó dịch COVID-19 của ASEAN để hỗ trợ khối mua thêm vaccine và hỗ trợ khối doanh nghiệp bị đại dịch làm ảnh hưởng tới sản xuất. Các cơ quan y tế của Mỹ cũng sẽ liên lạc và hợp tác chặt chẽ với các cơ quan y tế các nước ASEAN để theo dõi sát sao diễn biến dịch.

Bà Brown cho biết ASEAN đến thời điểm hiện tại đã thể hiện tốt tinh thần đoàn kết của khối trong nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 cũng như đạt được mức độ minh bạch cao về các thông tin liên quan đến dịch bệnh, bà hy vọng khối sẽ tiếp tục giữ vững và phát huy những điểm mạnh này để đảm bảo kết quả tốt nhất.

ASEAN - 54 năm phát triển và chặng đường phía trước

Những phát ngôn của Đại biện Mỹ Brown được đưa ra trong bối cảnh ASEAN tròn 54 năm hoạt động (1967-2021). Nhìn lại những thành quả kinh tế và ngoại giao mà ASEAN đã đạt được trong thời gian này, có thể thấy việc duy trì những nguyên tắc như thượng tôn luật pháp quốc tế, đoàn kết, đồng thuận và không can thiệp công việc nội bộ là một quyết định đúng đắn, góp phần tạo dựng được bản sắc rất riêng của khối và đảm bảo tính đồng thuận giữa các thành viên. Đây cũng là cơ sở để người dân các nước trong khối có thể lạc quan hơn vào tương lai của ASEAN trong nỗ lực giữ vững hòa bình, ổn định khu vực và cải thiện vị thế kinh tế hơn nữa.

Giữa lúc tình hình thế giới còn nhiều biến động mang tính cấu trúc cũng như sự thay đổi trong tình hình chính trị nội bộ một số thành viên, ASEAN cần phải tiếp tục giữ vững những nguyên tắc này nhưng đồng thời cũng không quên tiến hành những cải cách về mặt thể chế hoạt động để chuẩn bị tốt hơn cho giai đoạn phía trước. Cần phải khẳng định là ASEAN chỉ có thể mạnh khi hoạt động như một khối thống nhất, tất cả thành viên cùng một lập trường chung.

Mỹ sẵn sàng xem xét các lựa chọn khác nhau về Triều Tiên

Cùng xuất hiện trong cuộc họp báo ngày 9-8 là quan chức cấp cao Vụ Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ - ông Kin Moy. Ông này cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khi tham gia Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) cũng đã có một số bình luận về vấn đề Triều Tiên, bởi ARF là một trong những diễn đàn hiếm hoi có đại diện Triều Tiên tham dự.

Cụ thể, ông Blinken cho hay Mỹ đang muốn cởi mở hơn trong việc đối thoại với Triều Tiên và sẵn sàng xem xét các lựa chọn khác nhau. Tuy nhiên, ông không nói rõ cụ thể các lựa chọn này là gì.

“Mỹ kỳ vọng sẽ có thể chuyển được một thông điệp hòa bình tới giới lãnh đạo Triều Tiên và Bình Nhưỡng sẽ có phản hồi. Không chỉ Ngoại trưởng Blinken mà tất cả đại biểu ASEAN tham gia ARF cũng đều tỏ ý quan tâm tới vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” - ông Moy chia sẻ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm