Theo sau thông báo của Ả Rập Saudi về việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau khi Đại sứ quán Ả Rập Saudi bị tấn công tối 2-1, chính quyền ông Obama kêu gọi cả hai nước kiềm chế, tránh gây leo thang căng thẳng.
"Chúng tôi tin rằng cam kết ngoại giao và đối thoại trực tiếp vẫn cần thiết trong việc giải quyết các bất đồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khu vực tiến hành các biện pháp giúp giảm nhiệt căng thẳng" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói hôm 3-1.
Theo Washinton Post, các quan chức Mỹ đã chỉ trích việc Ả Rập Saudi khiêu khích căng thẳng vào cuối tuần qua bằng việc xử tử Sheikh Nimr al-Nimr, một giáo sĩ Shiite Saudi nổi tiếng đã bị bắt cách đây hai năm và bị kết án tử hình vì xúi giục bất đồng chính kiến chống lại hoàng tộc Sunni.
"Đây là một trò chơi nguy hiểm mà họ đang chơi. Có những hậu quả lớn hơn so với hành động phản đối vụ xử tử, bao gồm cả thiệt hại đối với cuộc chiến chống IS cũng như tiến trình hòa bình Syria" - Washington Post dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên.
Đặc nhiệm Saudi Arabia tập trận tại Riyadh. Ảnh: CNN
Iran, cùng Nga, là quốc gia hàng đầu ủng hộ chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một thành viên của nhóm Hồi giáo Shiite. Trong khi đó, Riyadh xem cuộc chiến tranh dân sự này như là một phần của cuộc chiến Iran chống lại "ưu thế tôn giáo"
Hơn nữa, Ả Rập Saudi đã kịch liệt phản đối thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran mà trong đó Mỹ dẫn đầu các nhà đàm phán quốc tế hoàn tất với Tehran hồi quý II năm 2015.
Khi thỏa thuận được thông qua, Hoa Kỳ và các nước khác sẽ dỡ bỏ gói trừng phạt quốc tế đối với Iran. Từ đó, một lượng tiền lớn sẽ đổ vào kho bạc của chính phủ Iran. Ả Rập Saudi cho rằng lượng tiền này sẽ được chi cho nỗ lực muốn tiếp quản khu vực của Iran.