Mỹ-Nhật ký thỏa thuận mua bán vũ khí

Trang web Breaking Defense ngày 7-6 (giờ địa phương) tiết lộ bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore cuối tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Nhật Gen Nakatani đã âm thầm ký kết thỏa thuận “Cung cấp quốc phòng hỗ tương”.

Breaking Defense nhận xét thỏa thuận này mở đường cho Mỹ và Nhật mua bán vũ khí và là dấu hiệu mới nhất cho thấy Mỹ và các đồng minh lo ngại Trung Quốc bành trướng.

Nhật trở thành quốc gia châu Á đầu tiên tham gia “câu lạc bộ” 23 nước ký kết thỏa thuận “Cung cấp quốc phòng hỗ tương”, trong đó có nhiều nước thành viên NATO.

Nhà phân tích Joel Johnson nhận định thỏa thuận “Cung cấp quốc phòng hỗ tương” sẽ cho phép Mỹ đối xử với các doanh nghiệp quốc phòng Nhật như doanh nghiệp Mỹ. Ngược lại, Nhật đối xử với các doanh nghiệp quốc phòng Mỹ như doanh nghiệp Nhật.

Trong khi đó, trang web Defense News (Mỹ) đưa tin sau hội đàm giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Washington hôm 7-6, Nhà Trắng đã công bố tuyên bố chung ghi nhận hai bên đã đạt được các thỏa thuận về biến đổi khí hậu, năng lượng hạt nhân và an ninh quốc gia.

Về quốc phòng, tuyên bố chung nhấn mạnh Mỹ đã trao cho Ấn Độ tiêu chuẩn mới “đối tác quốc phòng chủ chốt”.

Tổng thống Obama và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hội đàm ở Nhà Trắng hôm 7-6. Ảnh: REUTERS

Tuyên bố chung thông báo hai bên sẽ nâng vấn đề chia sẻ công nghệ quốc phòng lên mức đồng minh và đối tác thân cận nhất.

Theo thỏa thuận mới, Ấn Độ sẽ tiếp cận nhiều công nghệ mới của Mỹ về dân sự và quân sự. Hai bên sẽ cùng sản xuất và phát triển công nghệ trong khuôn khổ thỏa thuận “Sáng kiến Thương mại và Công nghệ Quốc phòng” (DTTI).

Hai bên sẽ bắt đầu lập các nhóm công tác thực hiện DTTI về hải quân, không quân và nhiều loại vũ khí khác.

Hai bên cũng thông báo đã hoàn tất các thỏa thuận về hợp tác công nghệ tàu sân bay và trao đổi hậu cần.

Tuyên bố chung khẳng định Mỹ và Ấn Độ nhất trí hợp tác về an ninh hàng hải, ủng hộ Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) và giải quyết tranh chấp lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình.

Báo Times of India (Ấn Độ) ghi nhận trong hai hội đàm thượng đỉnh trước đây vào tháng 9-2014 và tháng 1-2015, Ấn Độ và Mỹ đều đưa ra tuyên bố đặc biệt về biển Đông.

Lần đầu tiên Ấn Độ nêu vấn đề biển Đông trong tuyên bố chung với Mỹ sau hội đàm thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Obama và Thủ tướng Narendra Modi hồi tháng 9-2014.

Tuyên bố chung khẳng định hai nhà lãnh đạo bày tỏ lo ngại về căng thẳng leo thang trong tranh chấp lãnh hải, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của bảo vệ an ninh hàng hải, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, đặc biệt ở biển Đông.

Hai nhà lãnh đạo đã kêu gọi các bên tránh sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để thúc đẩy yêu sách chủ quyền, tiếp tục giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc phổ quát đã được luật pháp quốc tế thừa nhận, trong đó có UNCLOS.

Báo Times of India lấy làm tiếc vì hội đàm thượng đỉnh Mỹ-Ấn lần này lại không đưa ra tuyên bố đặc biệt về biển Đông đúng vào thời điểm trước khi Tòa Trọng tài thường trực La Haye công bố phán quyết về “đường chín đoạn” của Trung Quốc.

Hãng tin Bloomberg (Mỹ) ngày 8-6 đưa tin mới đây Bloomberg đã nhìn thấy bản mô tả của Bộ Khoa học Trung Quốc về dự án xây dựng một căn cứ có người ở ở độ sâu 3.000 m ngoài khơi biển Đông. Nơi này được dùng để khai thác mỏ dưới biển và phục vụ mục đích quân sự khi cần thiết. Dự án đã được nêu trong kế hoạch năm năm phát triển kinh tế của Trung Quốc được công bố hồi tháng 3 và được xếp thứ hai trong 100 dự án khoa học và công nghệ ưu tiên. Mới đây Trung Quốc đã xem xét và quyết định thúc đẩy dự án.

________________________________________

Thật ra Mỹ đã đàm phán với Nhật về thỏa thuận “Cung cấp quốc phòng hỗ tương” từ nhiều năm nay nhưng trở ngại ở chỗ Nhật không thể xuất khẩu công nghệ vũ khí. Nay thì trở ngại đó đã được giải quyết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm