Mỹ kêu gọi Liên Hợp Quốc (LHQ) phải tiếp tục cấm vận vũ khí Iran để ngăn Tehran thực hiện hành vi mà Washington cáo buộc là hỗ trợ khủng bố, hãng tin AP cho hay.
Ngày 28-6, Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Iran Brian Hook cho rằng LHQ cần duy trì lệnh cấm vận vũ khí Iran để ngăn quốc gia Trung Đông trở thành một trong những lựa chọn về nguồn cung vũ khí cho các tổ chức khủng bố hoặc một số quốc gia mà Washington coi là "bất hảo".
Ông Hook cho rằng dù không thể ngăn cản hoàn toàn các giao dịch vũ khí của Tehran, việc kéo dài lệnh cấm vận là cần thiết vì "các hành vi của Iran không xứng đáng với việc nới lỏng các hạn chế" chống lại quốc gia Trung Đông này.
Iran chưa có bình luận về phát ngôn của vị đại diện của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Iran Brian Hook. Ảnh: AP
Ông Hook kêu gọi các nước cần gia hạn lệnh cấm vận và không nên để tâm đến những lời đe dọa trả đũa từ Iran vì gọi những phát ngôn như vậy là một phần của "chiến thuật mafia".
"Nếu chúng ta chơi theo luật Iran, Iran sẽ thắng. Đó là chiến thuật mafia, nơi những người bị hăm dọa chấp nhận phải một loại hành vi nhất định vì sợ xảy ra điều tồi tệ hơn" - ông Hook giải thích.
Về các giao dịch vũ khí của Tehran, ông Hook cho rằng nguồn thu từ vũ khí của Iran đã bị thu hẹp do các lệnh cấm vận, ảnh hưởng đến khả năng hậu thuẫn các lực lượng thân Iran như chính phủ Syria và đó là "điều tốt lành cho khu vực".
"Nếu chúng ta để (lệnh cấm vận vũ khí Iran - PV) hết hiệu lực, bạn có thể chắn chắn rằng những gì Iran đang làm trong bóng tối sẽ được thực hiện một cách công khai" - ông Hook nói.
"Chúng ta đã áp đặt chiến lược của mình buộc quốc gia này rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Họ phải chọn giữa 'súng' ở Damascus (tức việc cung cấp vũ khí cho Syria) và 'bơ' ở Tehran (tức các hoạt động kinh tế của Iran)" - Đặc phái viên Mỹ nói tiếp.
Trong bài phỏng vấn của AP, ông Hook từ chối bình luận về vụ nổ lớn ở Iran vào sáng 26-6 (theo giờ Tehran).
Nếu không được gia hạn, lệnh cấm vận vũ khí Iran sẽ hết hiệu lực vào tháng 10 năm nay.
Mỹ đang tiếp tục chiến lược "gây áp lực tối đa" chống Iran. Từ giữa năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Đáp lại, Tehran thông báo sẽ nâng cấp chương trình làm giàu hạt nhân - vốn bị giới hạn theo quy định của thỏa thuận với nhóm P5+1.
Đầu tháng 6, Mỹ thông báo về một dự thảo nghị quyết kêu gọi kéo dài lệnh trừng phạt Iran, đe dọa sẽ kích hoạt điều khoản "đảo ngược" thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Tehran.
Tuy nhiên, Iran và hai bên trong nhóm P5+1 là Nga và Trung Quốc cho rằng Mỹ không còn quyền viện dẫn điều khoản "đảo ngược" vì Washington đã đơn phương từ bỏ thỏa thuận này.