Theo hãng tin Press TV, trong một bài báo hôm 24-8, hãng tin AP đã chỉ ra sự thay đổi lớn trong chiến lược của phương Tây và các nước trong khu vực ủng hộ những phe đối lập có vũ trang ở Syria, liên quan đến diễn tiến tình hình ở đất nước Trung Đông này.
“Các nước ủng hộ phương Tây và phe nổi dậy khu vực, hiện tập trung vào thúc đẩy lợi ích riêng của họ hơn là cố gắng thay đổi chính phủ ở Damascus. Họ đang xoay chuyển các đồng minh và ngừng kêu gọi ông Assad từ chức” – bài báo viết.
Tổng thống Syria Bashar al-Assad phát biểu tại Damascus hôm 20-8. Ảnh: Press TV
Ông Robert Ford, cựu đại sứ Mỹ tại Syria đã loại bỏ khả năng lật đổ Tổng thống Assad. Ông nói: “Không thể tưởng tượng được có một liên minh quân đội nào có thể lật đổ ông ấy. Tất cả các quốc gia, trong đó có Mỹ đã công nhận rằng ông Assad đang cầm quyền ở Syria”. Ông Robert Ford hiện làm việc tại Viện Trung Đông ở Washington, D.C.
Chính phủ Syria đang kiểm soát hầu hết các khu vực đông dân cư ở phía Tây, trong khi đó Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), nhóm khủng bố Takfiri thuộc al-Qaeda, lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn và các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng kiểm soát các khu vực còn lại ở phía Bắc, Đông và Nam.
Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực cũng đã giảm đi đáng kể ở các khu vực giảm căng thẳng, nơi có 2,5 triệu người sinh sống, bao gồm tỉnh Dara’a, Quneitra, Suwayda ở phía Nam, tỉnh Idlib ở phía Tây Bắc, khu vực trung tâm tỉnh Homs và tỉnh Đông Ghouta gần Damascus do các tay súng kiểm soát.
Các cuộc đàm phán ở Astana tiếp tục diễn ra song song với một loạt các cuộc đàm phán khác ở Geneva do Liên Hiệp Quốc nắm vai trò điều phối. Các cuộc đối thoại hòa bình này đã bị đình trệ nhiều tháng qua chủ yếu là do các nhóm đối lập không đồng ý về vai trò chính trị trong tương lai của ông Assad.
Bài báo của hãng tin AP cho biết với vòng đàm phán tiếp theo ở Geneva sắp diễn ra, ngay cả những người đại diện tiêu biểu cho nhóm đại diện chính của phe đối lập, Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC), cũng đang kêu gọi các nhóm thích ứng với thực tế mới.
Theo nguồn tin nắm rõ tình hình, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir đã nói với phe đối lập rằng đã đến lúc xây dựng một “tầm nhìn mới”.
Trong khi HNC giữ quan điểm là nhà lãnh đạo Syria phải từ chức trước khi có bất cứ sự chuyển giao chính trị nào, các nhóm đối lập khác được gọi là “Moscow Platform” lại lập luận rằng sự ra đi của ông Assad không phải điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán.
Đàm phán hòa bình ở Astana hôm 4-5. Ảnh: AFP
Các cuộc hội đàm nội bộ đang diễn ra nhằm tái cơ cấu HNC với mục đích làm cho tiếng nói hòa giải giữa các nhóm đối lập có trọng lượng hơn, bài báo củaAP cho biết.
Các nước ủng hộ chính của HNC gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ đang quan tâm nhiều hơn tới việc bảo vệ lợi ích chiến lược riêng của nước mình, thay vì tập trung loại bỏ ông Assad. Các nước này đã thay đổi những ưu tiên ở Syria.
Bài báo của AP tdẫn lời của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khi ông nói với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ “phó thác số phận của Syria trong tay nước Nga”.
Mặt khác, trong một bài phát biểu trước các nhà ngoại giao Syria ở Damascus trong tuần này, Tổng thống Assad đã chế nhạo phương Tây và nói rằng khi nói về các mối quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa, Syria sẽ nhìn về hướng Đông.
“Chúng tôi sẽ không cho họ những gì họ đã không thể lấy được trong chiến tranh” – ông Assad nhấn mạnh.