Bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính của Huawei, đã được cho tại ngoại sau khi bị bắt giữ hôm 1-12 tại Canada. Nữ doanh nhân này bị cáo buộc dính líu với một công ty tại Hong Kong có quan hệ làm ăn với một tập đoàn viễn thông Iran, qua đó vi phạm các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Theo lãnh sự quán Mỹ tại Hong Kong, các quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ đã thăm đặc khu này trong các ngày từ 5 đến 7-12 để có các cuộc trao đổi với giới chức Hong Kong.
Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu đang gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh: NDTV
Tờ Nikkei Asian Review ngày 14-12 đưa tin phía Mỹ đã đánh giá cao các biện pháp của Hong Kong, chẳng hạn như thắt chặt các quy định về những công ty bình phong nhưng thúc giục giám sát triệt để hơn việc xuất khẩu công nghệ cao với những ứng dụng quân sự tiềm tàng.
Nhiều công ty đại lục Trung Quốc thực hiện các giao dịch thương mại và tài chính qua ngả Hong Kong. Do Hong Kong có chế độ hải quan tách biệt với đại lục nên Mỹ cho phép các giao dịch với vùng lãnh thổ này liên quan đến những sản phẩm công nghệ có độ bí mật cao. Tuy nhiên, Washington rõ ràng vẫn thấy cần phải thúc ép Hong Kong tăng cường giám sát các giao dịch thương mại và tài chính.
Vẫn đang có những lo ngại đáng kể về việc Hong Kong bị lợi dụng để tránh né các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên và Iran.
Hong Kong, một trung tâm thương mại và tài chính toàn cầu. Có những thủ tục tương đối đơn giản đối với việc thành lập công ty, và những doanh nghiệp “ma” được thành lập ở đó đã bị phát hiện góp phần vào những nỗ lực lách biện pháp trừng phạt của Triều Tiên.