Cho đến trước thềm thượng đỉnh Singapore, giới nghiên cứu vẫn thấy rõ sự bối rối của các phái đoàn ngoại giao Mỹ lẫn Triều Tiên trong việc thảo luận đi đến thống nhất một tuyên bố chung.
Động cơ của ông Trump không rõ ràng, trong khi nhu cầu cải cách nền kinh tế đang gặp khó khăn của ông Kim rất rõ. Nhưng nét văn hóa chính trị rất đặc trưng của ông Trump - không ai biết ông ấy muốn gì, càng khó đoán ông ấy sẽ làm gì, ngay cả những người thân cận. Trong khi Triều Tiên vẫn không có những dấu hiệu cho thấy sẽ từ bỏ các thành quả hạt nhân mà họ dày công phát triển.
Thượng đỉnh lần thứ nhất kết thúc bằng tuyên bố bốn điểm: (i) Thiết lập mối quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên; (ii) Xây dựng cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên; (iii) Phi hạt nhân hóa - phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên; (iv) Tìm hài cốt quân nhân hy sinh và mất tích trong chiến tranh Triều Tiên. Báo chí và chuyên gia tốn không ít giấy mực trong khi các đoàn ngoại giao Mỹ-Triều phải qua lại nhiều lần để cố giải quyết cái gọi là “phi hạt nhân hóa”.
Tuy nhiên, dường như cả hai giậm chân tại chỗ: Triều Tiên quyết không từ bỏ hạt nhân khi Mỹ còn cấm vận; ngược lại Mỹ không bỏ cấm vận khi vũ khí hạt nhân còn trên đất Triều Tiên. Cho đến thượng đỉnh lần hai, giới quan sát bắt đầu nhận ra rõ ràng hơn cách tiếp cận mới của hai nhà lãnh đạo Trump, Kim.
Ông Trump vẫn giữ quan điểm Triều Tiên sẽ phi hạt nhân hóa nhưng ông “không vội” ép, trong khi Triều Tiên bắt đầu có những động thái cởi mở và linh hoạt trong ngoại giao với Mỹ và một số nước liên quan. Đây là một thế lưỡng nan, phụ thuộc lớn vào niềm tin giữa hai quốc gia.
Một tuyên bố hòa bình để chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 (đình chiến từ năm 1953 đến nay); một tuyên bố tiếp tục từng bước phá bỏ các cơ sở sản xuất hay bãi thử hạt nhân có thể kiểm chứng từ Triều Tiên tại thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này tại Hà Nội sẽ là những bước đi “chậm nhưng chắc”, tạo nền tảng niềm tin cho những quyết định táo bạo hơn giữa hai nước trong tương lai.