Ngày 10-9, Đô đốc Sam Paparo - người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ - đã có cuộc hội đàm từ xa qua video với người đồng cấp Ngô Á Nam thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam của quân đội Trung Quốc, theo hãng tin Reuters.
Đây là cuộc hội đàm quân sự cấp chỉ huy chiến trường đầu tiên được tổ chức giữa Mỹ và Trung Quốc sau khoảng thời gian hai năm bị đình chỉ kể từ tháng 8-2022, khi bà Nancy Pelosi - khi đó đang là Chủ tịch Hạ viện Mỹ - đến thăm Đài Loan, theo Reuters.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết cả hai bên trong cuộc hội đàm quân sự đã "trao đổi sâu sắc quan điểm về các vấn đề cả hai bên cùng quan tâm", nhưng không cho biết thêm chi tiết về nội dung trao đổi.
Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ cũng đã đưa ra thông báo, mô tả cuộc hội đàm quân sự là “mang tính xây dựng và tôn trọng”. Theo thông báo, ông Paparo kêu gọi quân đội Trung Quốc “xem xét lại việc sử dụng các chiến thuật nguy hiểm, có khả năng leo thang ở Biển Đông và xa hơn nữa”.
Ông Paparo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục đàm phán để làm rõ ý định của hai bên và giảm nguy cơ hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm, theo Reuters.
Cuộc hội đàm quân sự cấp chỉ huy chiến trường giữa Mỹ và Trung Quốc hôm 10-9 đánh dấu việc nối lại cả bốn cơ chế liên lạc quân sự đã được nhất trí trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở San Francisco (Mỹ) ngày 15-11-2023.
Bình luận về sự kiện, một chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên nói với tờ Global Times rằng đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy hai nước đang tăng cường thấu hiểu lẫn nhau và quản lý sự khác biệt trong lĩnh vực quân sự để tránh những tai nạn có hại cho cả hai bên.
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Quân Xã cũng đã bình luận về sự kiện, cho rằng Mỹ không nên một mặt mong giải quyết được sự khác biệt thông qua đàm phán, mặt khác lại kích động các đồng minh khác gây rắc rối cho Trung Quốc trên thực địa, theo tờ Global Times.