Theo đài PressTV, vào ngày 19-12, Mỹ đã công bố trừng phạt hai thẩm phán người Iran về việc xử lý các cuộc biểu tình chống lại việc tăng giá nhiên liệu ở nước này gần đây.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết các lệnh trừng phạt được áp dụng đối với hai thẩm phán người Iran, ông Abolghassem Salavati và ông Mohammad Moghisseh. Hai người này bị cáo buộc đã lạm dụng quyền lực để đàn áp những người tham gia biểu tình.
Bộ Tài chính Mỹ sẽ đóng băng tất cả tài sản của hai thẩm phán thuộc thẩm quyền của Nhà Trắng và cấm người Mỹ giao dịch với họ.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tuyên bố: "Mỹ sẽ không để yên cho sự áp bức và bất công đang diễn ra ở Iran".
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đang áp đặt các hạn chế thị thực đối với một số quan chức và cựu quan chức của Iran. Ông cho rằng những người này đã vi phạm nhân quyền với những người biểu tình.
Biểu tình chống tăng giá dầu ở Iran. Ảnh: TNYT
Hạn chế thị thực cũng áp dụng cho thành viên gia đình của các quan chức này.
Cuộc biểu tình xảy ra sau khi chính phủ Iran tăng giá dầu vào ngày 15-11 để điều chỉnh mức tiêu thụ quốc gia. Mức tiêu thụ dầu của Iran hiện tại cao hơn 40 triệu lít/ngày so với hạn mức cho phép.
Một số kẻ bạo loạn đã lợi dụng cuộc biểu tình để phá hủy tài sản công cộng, đốt các trạm xăng, thậm chí dùng vũ khí tấn công lực lượng an ninh khiến nhiều người chết.
Ông Pompeo đã kêu gọi người Iran gửi bằng chứng về việc lực lượng chính quyền Iran có những "hành động đàn áp vi phạm nhân quyền".
Theo tạp chí Foreign Policy (Mỹ), sau lệnh trừng phạt với hai thẩm phán nói trên, Iran đã có những động thái đáp trả cứng rắn với Nhà Trắng. Lệnh trừng phạt nhằm thúc đẩy chiến dịch "áp lực tối đa" của Mỹ với Iran có thể không đạt được mục tiêu mà còn phản tác dụng.