Mỹ trừng phạt tỉ phú 'đồng minh' của Tổng thống Ukraine

Ngày 5-3, chính quyền Mỹ đã áp lệnh trừng phạt nhà tài phiệt Ihor Kolomoisky - người được cho là đồng minh của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, tờ The New York Times đưa tin.

Ông trùm dầu mỏ và truyền thông của Ukraine đã bị điều tra tại Mỹ với các cáo buộc tham nhũng và gian lận thương mại và các nghi ngờ liên quan tới việc mua bất động sản thương mại ở TP Cleveland, bang Ohio (Mỹ).

Theo thông báo của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ông Kolomoisky và các thành viên trong gia đình bị trừng phạt, bị cấm đến Mỹ. Các lệnh trừng phạt này không nhắc tới các chế tài tài chính, song trong một diễn biến độc lập, Bộ Tư pháp Mỹ đã tịch thu một số tài sản tại Mỹ của ông Kolomoisky.

Ông Kolomoisky bị cáo buộc "dính líu tới các hành vi tham nhũng nghiêm trọng". Theo đó, ông Kolomoisky bị cho là đã lợi dụng "ảnh hưởng chính trị và quyền lực của chính quyền" để thu lợi bất chính khi giữ chức Thống đốc tỉnh Dnipropetrovsk (Ukraine) trong giai đoạn 2014-2015. 

Nhà tài phiệt Ihor Kolomoisky. Ảnh: REUTERS

Ngoại trưởng Blinken mô tả những hành vi mà ông Kolomoisky bị cáo buộc đã "làm xói mòn tính thượng tôn pháp luật và niềm tin của người dân Ukraine vào các thể chế dân chủ và tiến trình đại chúng" ở quốc gia Đông Âu này.

Ông Blinken cũng bày tỏ "sự quan ngại" về "những nỗ lực vẫn đang tiếp diễn nhằm phá hoại các tiến trình và thể chế dân chủ ở Ukraine". Theo The New York Times, cáo buộc này ám chỉ mối quan hệ được cho là gần gũi ông Kolomoisky và ông Zelensky.

Truyền thông quốc tế mô tả ông Kolomoisky là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất tại tại Ukraine - nếu không tính tới các quan chức chính phủ - và coi nhà tài phiệt này là đồng minh của ông Zelensky dù cho Tổng thống Ukraine đã phủ nhận sự quen biết giữa hai người.

The New York Times nhận định lệnh trừng phạt mới được công bố cho thấy cách tiếp cận cứng rắn hơn của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trước vấn nạn tham nhũng ở Ukraine.

Năm 2014, biến cố chính trị đã xảy ra ở Ukraine, khiến tổng thống lúc bấy giờ là ông Viktor Yanukovich phải sống lưu vong và một chính quyền mới được lập ra ở Kiev với khuynh hướng chống Nga, thân phương Tây.

Ông Kolomoisky được cho là người có vai trò tích cực trong việc ủng hộ chính quyền mới, tài trợ cho lực lượng dân quân (độc lập với quân đội quốc gia) khi tình hình đất nước còn hỗn loạn. Một trong những hoạt động nổi bật của nhóm dân quân này là tổ chức mặt trận ở phía tây Donetsk - khu vực ở miền đông đòi tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga - với hy vọng giành vùng đất này khỏi tay lực lượng ly khai.

Năm 2016, giữa lúc ông Kolomoisky đối mặt với hàng loạt cáo buộc tham nhũng và gian lận thương mại, ngân hàng Privatbank do ông này làm chủ đã phá sản, khiến chính phủ Ukraine phải chi 5,5 tỉ USD để cứu trợ.

Động thái mới nhất từ Mỹ được cho là cái cớ hợp lý để ông Zelensky cắt đứt các mối liên hệ với ông Kolomoisky, làm sạch bộ máy chính trị nội bộ ở Kiev. Điều này được cho là một trong những biện pháp tốt nhất để Nga không còn cơ hội gây ảnh hưởng tại Ukraine.

Tuy nhiên, ông Zelensky bị cho là ở trong thế khó khi ông Kolomoisky có ảnh hưởng rất lớn đối với một nhánh quan trọng trong đảng Đầy tớ của nhân dân của ông Zelensky. Nếu không có sự ủng hộ từ nhánh này, đảng của ông Zelensky không còn nắm đa số tại Quốc hội. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm