Mỹ tung hình ảnh cho thấy mức độ thiệt hại vụ không kích Syria

Đài CNN đưa tin Mỹ đã tung ra hình ảnh vệ tinh cho thấy mức độ thiệt hại của cuộc không kích ở Syria vào ngày 25-2 do chính quyền Mỹ tiến hành, nhắm vào một cấu trúc thuộc nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn.

Những hình ảnh vệ tinh được Maxar Technologies - tập đoàn công nghệ viễn thông Mỹ - công bố hôm 27-2 cho thấy sức tàn phá của cuộc không kích lên khu vực này trước và sau khi bị tấn công.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy trước khi cuộc không kích xảy ra, cơ sở cách biên giới Iraq khoảng 340 mét có khoảng một chục tòa nhà lớn nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết tất cả đều bị phá hủy và san bằng sau vụ không kích.

Hiện chưa rõ có bao nhiêu dân quân thiệt mạng sau vụ tấn công. Một vài báo cáo khác từ chính quyền Mỹ khẳng định số người thiệt mạng có thể từ 17 đến 22 người.

Hình ảnh cơ sở dân quân gần biên giới Syria-Iraq trước khi bị tấn công. Ảnh: MAXAR

“Cửa sổ bật tung. Tòa nhà rung chuyển.  Tôi bị một tiếng động lớn chói tai đánh thức vào lúc 1:30 sáng (theo giờ địa phương)” - một cư dân sống tại al-Bukamal, một thành phố gần biên giới Syria-Iraq, chia sẻ.

Người này cho biết âm thanh từ các vụ nổ không kích trên không giống bất cứ điều gì ông đã từng nghe trước đây, theo CNN.

Theo đó, những gì người này nghe thấy chính là âm thanh của bảy quả bom 500 pound (mỗi quả nặng hơn 225 kg) trúng bảy mục tiêu tại một khu nhỏ gồm nhiều tòa nhà ở khu vực cửa khẩu không chính thức nằm ở biên giới Syria-Iraq.

Đại diện Lầu Năm Góc tiết lộ cơ sở này được hai nhóm dân quân Iraq có liên kết với Iran là Kata'ib Hezbollah và Kata'ib Sayyid Al-Shuhada sử dùng để buôn lậu vũ khí.

Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby nói rằng các cuộc không kích này được Tổng thống Joe Biden cho phép tiến hành nhằm đáp trả các cuộc tấn công gần đây chống lại người Mỹ và đồng minh của Mỹ ở Iraq.

Hình ảnh cơ sở dân quân gần biên giới Syria-Iraq sau khi bị tấn công. Ảnh: MAXAR

Thời gian gần đây, các chiến binh đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào các mục tiêu của Mỹ ở Iraq, trong đó có căn cứ không quân Balad và thậm chí cả Đại sứ quán Mỹ ở Vùng Xanh (Green Zone) thuộc thủ đô Baghdad.

Trước đó, hôm 15-2, một cuộc tấn công bằng tên lửa vào sân bay quốc tế ở TP Erbil, miền bắc Iraq, đã làm chết một nhà thầu dân sự của liên quân do Mỹ lãnh đạo và sáu người khác bị thương bao gồm một quân nhân Mỹ, bốn nhà thầu Mỹ.

Cuộc không kích đêm 25 rạng sáng 26-2 là hành động quân sự đầu tiên của chính quyền tân Tổng thống Biden. Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết họ đã đưa ra một số mục tiêu lớn nhưng ông Biden chỉ đồng ý lựa chọn một mục tiêu nhỏ hơn nhiều.

Kata'ib Hezbollah và Kata'ib Sayyid Al-Shuhada chỉ là hai trong số vô số nhóm dân quân nổi lên trong cuộc chiến chống lực lượng khủng bố ISIS ở Syria và Iraq. Các lực lượng dân quân Iraq do Iran hậu thuẫn đang ngày càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trong khi quan hệ giữa Washington và Tehran trở nên xấu đi.

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: REUTERS

Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vào năm 2018, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, và áp đặt các lệnh trừng phạt ngày càng hà khắc hơn đối với Iran. Căng thẳng giữa hai nước tiếp tục tăng cao sau khi Tướng Iran Qasem Soleiman bị Mỹ ám sát hồi tháng 1-2020 gần khu vực sân bay Baghdad.

Đòn trả đũa trên của Mỹ nhằm khẳng định chính quyền mới của Tổng thống Biden sẽ không bỏ rơi đồng minh tại Trung Đông, sẵn sàng trừng phạt thủ phạm gây ra các vụ tấn công các mục tiêu Mỹ bằng rocket nhưng không làm leo thang thù địch với Tehran, đặc biệt trong khi Mỹ đang tìm cách nối lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Thông qua hành động quân sự này, mục tiêu chủ yếu của chính quyền Washington là gửi đi thông điệp cho các nước Trung Đông chứ không thể ngăn chặn được các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu của Mỹ, đặc biệt ở Iraq.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm