Kể từ năm 1998, đã có tới 818 trẻ em đã tử vong vì bị sốc nhiệt sau khi bị bỏ lại trên ô tô. Các nạn nhân thường thiệt mạng khi nhiệt độ cơ thể của các em lên tới ngưỡng 40 độ C do tình trạng ngột ngạt, thiếu dưỡng khí và sốc nhiệt khi bị kẹt trong xe hơi.
Kể từ năm 1998, đã có tới 818 trẻ em đã tử vong vì bị sốc nhiệt sau khi bị bỏ lại trên ô tô. Ảnh: MY POLICE
Thảm kịch có thể xảy ra ở hầu hết mọi nơi, đặc biệt là vào những tháng nóng.
Trung bình sốc nhiệt giết chết 38 trẻ em mỗi năm, theo Ủy ban An toàn Quốc gia Mỹ. Có trường hợp đứa trẻ bị bỏ quên trong xe hơi, cũng có trường hợp do chúng tự nhốt mình trong xe hoặc cốp xe, và tệ hơn, một số trường hợp cha mẹ đã cố tình để con lại trong xe mà không chú ý đến những rủi ro xảy ra với chúng.
Trên trang NoHeatStroke.org, một trang web dữ liệu thuộc quyền quản lý của Đại học San Jose (bang California), cho biết 2015 là năm có số trẻ em tử vong ít nhất vì sốc nhiệt trong xe hơi với 24 trường hợp. Năm 2018 được cho là năm có số lượng trẻ tử vong do sốc nhiệt nhiều nhất với 52 trường hợp. Độ tuổi các bé từ khoảng bảy tháng cho đến 5 tuổi và hầu hết đều bị bỏ lại trên xe..
Cha mẹ vội vã vì công việc có thể dễ dàng quên mất con ở băng ghế sau. Ảnh: GETTY
Theo thống kê, tính từ đầu năm tới hết tháng 7-2019, số vụ trẻ em thiệt mạng đã là 23 trường hợp, chưa kể ba trường hợp vừa được thống kê trong tháng 8.
Mới đây, vào ngày 2-8, cặp song sinh một tuổi ở New York đã chết sau khi cha của chúng để chúng trong một chiếc ô tô suốt 8 giờ để đi làm, cảnh sát cho biết. Nhiệt độ cơ thể của hai bé đã chạm tới ngưỡng 42,2 độ C và tử vong.
Hôm 5-8, một cậu bé hai tuổi được tìm thấy đã chết trong một chiếc xe tải của trung tâm chăm sóc ban ngày ở thị trấn Oakland, bang Florida. Nhiệt độ ngoài trời lúc này lên đến đỉnh điểm đã khiến bé tử vong.
Jan Null, nhà khí tượng học và người sáng lập NoHeatStroke.org nói rằng nhiệt độ bên trong xe hơi có thể tăng lên nhanh chóng trong vòng 10 phút và khiến thân nhiệt của trẻ tăng lên. Bất chấp nhiệt độ ngoài trời thấp, nhiệt độ trong xe có thể vọt lên và đủ khiến trẻ em tử vong.
Mùa hè thường có nhiều trẻ tử vong
Theo thống kê của trang NoHeatStroke.org, từ năm 1998 đến 2018, 189 trẻ em đã chết vì say nắng vào tháng 7, nhiều hơn bất kỳ tháng nào khác. Lý giải điều này, các chuyên gia nhận định có thể đây là tháng có nhiệt độ nóng nhất năm.
Điều này không có nghĩa là khi thời tiết mát mẻ, cha mẹ có thể lơ là và để con trong xe một mình. Một nghiên cứu vào năm 2005 cho thấy ngay cả khi ngoài trời 22 độ C thì nhiệt độ trong một chiếc ô tô dưới ánh nắng mặt trời có thể tăng lên thành 47 độ C trong vòng 60 phút.
Và cho dù bạn có cố tình hạ cửa sổ xe xuống cũng không tạo ra sự khác biệt nào. Nghiên cứu cho thấy những chiếc xe đậu dưới ánh nắng mặt trời 1 giờ đều có nhiệt độ bên trong giống nhau cho dù cửa sổ có mở hay không.
Đa phần là tai nạn
Hơn một nửa vụ việc dẫn đến những tai nạn thương tâm kể trên vì cha mẹ đã quên mất con ở hàng ghế sau. 26% trẻ nhỏ tự chui vào xe và không biết cách thoát ra. Duy chỉ có 18% các trẻ bị bỏ lại có chủ ý.
Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy hơn 60% người chịu trách nhiệm là cha mẹ của nạn nhân. Chỉ khoảng 7% là do các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em. Khoảng 87% nạn nhân say nắng từ ba tuổi trở xuống, trong đó 1/3 là trẻ dưới một tuổi.
Cảnh sát có thể đập vỡ cửa xe nếu nghi ngờ có trẻ em đang gặp nguy hiểm bên trong. Ảnh: Orlando Sentinel
Tính tới tháng 7-2019, có 21 bang trên nước Mỹ có luật quy định rằng việc để trẻ em một mình trong xe là tội danh hình sự dù có gây ra hậu quả hay không.
Các bang Texas, Hawaii, Illinois và Florida cho phép người lớn để trẻ một mình trong ô tô thời gian ngắn khoảng 5-10 phút hoặc 15 phút, nhưng nếu quá thời gian này họ sẽ có thể bị truy tố. Độ tuổi của trẻ em được quy định khác trong luật từng bang nhưng thường là từ sáu đến chín tuổi.
Ngoài ra, 21 bang cũng có luật cho phép công dân được giải cứu trẻ em ở một mình trong xe nếu họ cảm thấy trẻ em đang gặp nguy hiểm, kể cả khi họ đập vỡ cửa sổ xe.