Tòa sơ thẩm thủ đô Washington (Mỹ) ngày 24-12 yêu cầu Triều Tiên trả 501 triệu USD bồi thường thiệt hại từ cái chết của sinh viên Otto Warmbier tại Triều Tiên năm 2017. Đơn kiện được cha mẹ anh Warmbier đệ lên tòa án từ tháng 4.
Diễn biến này đến vào thời điểm nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Triều, khi tiến trình đàm phán về việc Triều Tiên giải trừ vũ khí hạt nhân giữa hai bên đang bế tắc nghiêm trọng và có nguy cơ đổ vỡ.
Bế tắc nghiêm trọng
Công bằng mà nói thời gian qua căng thẳng hai bên đã dịu hơn, không còn đe dọa tấn công hạt nhân hay công kích cá nhân lẫn nhau. Tuy nhiên, sáu tháng trời sau màn bắt tay lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore, cuộc đàm phán vẫn chưa đi đến đâu.
Tuyên bố chung thượng đỉnh Trump-Kim tại Singapore gồm bốn điểm chính: Tiến tới bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều; chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên; hồi hương hài cốt lính Mỹ trong chiến tranh và “làm việc hướng tới giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên”. Tuy nhiên, cụm từ “làm việc hướng tới” không được làm rõ, không nói rõ liệu hệ thống phòng thủ hạt nhân của Mỹ ở Hàn Quốc có bao gồm trong việc giải trừ này hay không. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói ông Kim chấp nhận “giải trừ hạt nhân Triều Tiên một cách hoàn toàn và có thể thẩm tra được”. Trong khi đó, Triều Tiên nói cụm từ này đề cập đến toàn bộ bán đảo Triều Tiên và khăng khăng vũ khí của Mỹ phải được dỡ bỏ đồng thời, nếu không Triều Tiên sẽ thấy không an toàn với nguy cơ bị tấn công.
Phần mình, đầu tiên Mỹ muốn Triều Tiên cung cấp danh sách các cơ sở phát triển, sản xuất vũ khí. Theo các chuyên gia phi hạt nhân hóa, các bước tiếp theo Mỹ muốn Triều Tiên làm là cho phép thanh sát, đóng cửa các cơ sở này và phá hủy vũ khí, tiếp đó nữa là giao ra vật liệu hạt nhân. Tuy nhiên, đàm phán hai bên tới giờ vẫn bế tắc quanh chuyện thanh sát và thẩm tra.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một lần thị sát tên lửa đạn đạo Hwasong-14. Ảnh: KCNA
Sau cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim, ông Trump cho ngưng hoặc giảm quy mô tập trận chung với Hàn Quốc, dù Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói đây là việc cần thiết để đảm bảo tính chiến đấu của lính Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ muốn giữ áp lực trừng phạt buộc Triều Tiên có thêm bước giải trừ hạt nhân nữa trước khi bình thường hóa quan hệ.
Phần Triều Tiên, đến lúc này ông Kim vẫn giữ đúng lời hứa kiềm chế thử hạt nhân và phá hủy các điểm thử tên lửa. Triều Tiên muốn Mỹ phải ngay lập tức có hành động “có qua có lại” đáp lại các bước đi thiện chí của mình. Về ngắn hạn đó là ngưng tập trận chung Mỹ-Hàn, tăng hỗ trợ nhân đạo. Về dài hạn, Triều Tiên muốn được dỡ bỏ trừng phạt kinh tế, điều Mỹ khăng khăng sẽ chỉ làm khi Triều Tiên hoàn tất giải trừ hạt nhân cũng như có hiệp ước hòa bình chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Không chỉ cáo buộc Mỹ dùng ngoại giao hăm dọa khi chỉ biết yêu cầu mà không đáp lại, Triều Tiên còn cảnh cáo việc Mỹ cứ tập trung vào yêu cầu “giải trừ hạt nhân đầu tiên” sẽ gây rủi ro cho tiến trình đàm phán.
“Ông Kim chỉ có hai chọn lựa: giải trừ hạt nhân và tên lửa để nhận nhượng bộ từ Mỹ, hoặc khôi phục thử tên lửa ép Mỹ phải nhượng bộ. Và đáng tiếc là tôi thiên về khả năng thứ hai…” - nhà báo chính trị Mỹ Tom Rogan viết trên Washington Examier. |
Có tránh được đổ vỡ?
Diễn biến đàm phán chẳng những không tiến triển mà thậm chí còn có nguy cơ đổ vỡ khi gần đây Triều Tiên có vẻ tăng chỉ trích Mỹ. Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA tuần trước tuyên bố nước này sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân đến chừng nào Mỹ từ bỏ các đe dọa hạt nhân nhắm vào mình. KCNA nói rõ: “Khi nói về bán đảo Triều Tiên, đó không chỉ bao gồm lãnh thổ của chúng tôi mà cả Hàn Quốc, nơi vũ khí hạt nhân và lực lượng vũ trang của Mỹ trải rộng. Khi nói giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên, Mỹ cần phải biết đó có nghĩa là loại bỏ tất cả yếu tố đe dọa hạt nhân”.
Ngoài ra, theo KCNA, việc Mỹ thúc giục giải trừ hạt nhân hoàn toàn bán đảo Triều Tiên phải bao gồm cả di dời các đe dọa hạt nhân từ “không chỉ miền Bắc và miền Nam mà từ tất cả khu vực láng giềng”. Trước đó Triều Tiên từng nhiều lần từ chối đơn phương giải trừ hạt nhân theo yêu cầu của Mỹ mà Triều Tiên cho là “ảo tưởng”. Triều Tiên cũng kêu gọi Mỹ chấm dứt các chính sách thù địch và ngưng trừng phạt mình.
Theo CNN, từ những lời lẽ này có thể thấy sự hiện diện của quân đội và vũ khí Mỹ ở Hàn Quốc là một trong những cản trở chính với cuộc đàm phán.
Dù đàm phán không tiến triển nhưng trên Twitter ngày 24-12, ông Trump vẫn cho biết đang mong đợi đến kỳ thượng đỉnh tiếp theo giữa ông với ông Kim. Theo một số nguồn tin quan chức Mỹ, cuộc gặp Trump-Kim thứ hai khả năng lớn sẽ diễn ra vào đầu năm mới 2019. Chưa biết liệu kỳ thượng đỉnh lần hai này có diễn ra đúng kế hoạch và có mang lại biến chuyển quan trọng gì cho tình hình đàm phán hai bên hay không.
Công dân Mỹ Otto Warmbier đến Triều Tiên du lịch đầu tháng 1-2016, bị bắt vì cáo buộc cố gắng ăn cắp một biểu ngữ có khẩu hiệu tuyên truyền của Triều Tiên tại khách sạn mình ở. Anh Warmbier bị tuyên án 15 năm tù khổ sai, bị hôn mê sau 17 tháng giam giữ và chết chỉ vài ngày sau khi được trả về Mỹ. Nhân viên điều tra những cái chết bất thường kết luận nguyên nhân cái chết là do thiếu ôxy và thiếu máu lên não. Triều Tiên bác bỏ cáo buộc mình tra tấn, nói sinh viên này chết do bị ngộ độc. Trước tòa ngày 24-12, cha mẹ sinh viên Warmbier cho biết đã hứa với con sẽ quyết tìm kiếm công lý cho cái chết của con mình. Tòa ra phán quyết vắng mặt khi Triều Tiên không có đại diện tại tòa. Thường thì theo phán quyết chống lại các bị đơn nước ngoài, các tòa án Mỹ có thể ra quyết định tịch thu tài sản của nước này tại Mỹ để bồi thường cho nguyên đơn. Tuy nhiên, trường hợp này không dễ khi các lệnh trừng phạt của Mỹ cấm Triều Tiên tiếp cận với hệ thống tài chính Mỹ. |