Sứ mệnh Artemis 1 bắt đầu hành trình từ bệ phóng Cape Canaveral vào lúc 1 giờ 47 phút sáng (giờ bờ Đông).
Trong sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng lần này, tàu vũ trụ Orion và được phóng đi bằng Hệ thống phóng không gian (SLS) - tên lửa mạnh nhất mà Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) từng chế tạo. Hành trình đến Mặt Trăng và quay trở lại Trái Đất của sứ mệnh lần này sẽ kéo dài trong 25 ngày, theo tờ The Guardian.
“Artemis 1 bắt đầu một chương mới trong hành trình thám hiểm mặt trăng của con người”, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) viết trên Twitter.
Thành công của vụ phóng Artemis 1 có ý nghĩa quyết định đối với các chuyến bay Artemis 2 và 3 sẽ diễn ra sau này. Sứ mệnh Artemis 2 và 3 dự kiến đưa con người đến và rời khỏi Mặt Trăng.
Sau khi phóng, sứ mệnh Artemis 1 đang diễn ra theo đúng kế hoạch. Theo đó, tàu vũ trụ Orion đã đến quỹ đạo Trái Đất vào khoảng 2 giờ sáng (giờ bờ Đông) và kích hoạt động cơ phóng để bắt đầu chuyến hành trình kéo dài nhiều ngày tới Mặt Trăng.
Dự kiến vào ngày 21-11, tàu vũ trụ Orion sẽ tiếp cận Mặt Trăng. Để quay trở lại, tàu vũ trụ này sẽ sử dụng lực hấp dẫn của Mặt Trăng để hỗ trợ thiết lập đường đi đến quỹ đạo Trái Đất.
Sứ mệnh Artemis 1 bắt đầu hành trình đến Mặt Trăng từ Trung tâm Không gian Kennedy ở Florida hôm 16-11. Ảnh: NASA. |
NASA lần đầu tiên đưa ra kế hoạch phóng Artemis 1 là vào tháng 8. Tuy nhiên, cơ quan này phải hủy bỏ kế hoạch sau khi phát hiện ra các vấn đề kỹ thuật xảy ra với động cơ của tên lửa, theo đài CNBC.
Các vụ phóng sau đó cũng phải dời lại do ảnh hưởng từ bão Ian và bão Nicole.
NASA cho biết họ đã kiểm tra tàu vũ trụ sau khi bão Nicole đi qua và không phát hiện thiệt hại lớn nào đối với các thiết bị.
Chương trình Artemis 1 của NASA đã nhận được sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, tổng thanh tra NASA gần đây cảnh báo rằng Artemis không phải là cách “bền vững” để thiết lập sự hiện diện trên Mặt Trăng. Chương trình này dự kiến tiêu tốn khoảng 93 tỉ USD của NASA.