Tối 10-5 (0 giờ 11-5 giờ Việt Nam), Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ NASA đã công bố phát hiện thêm một loạt các hành tinh mới nằm ngoài hệ mặt trời.
Tổng cộng 1.284 ngoại hành tinh (hành tinh nằm ngoài hệ mặt trời) mới được khám phá đều do kính thiên văn Kepler tìm thấy.
Trong số đó, có chín ngoại hành tinh vừa được công bố có khả năng có thể sinh sống được. Điều này có nghĩa rằng chúng đang trong Vùng Goldilocks (có thể sống được), do đó nước có thể tồn tại ở đây.
NASA công bố phát hiện gần 1.300 ngoại hành tinh mới, trong đó có 9 ngoại hành tinh có thể có sự sống. Ảnh minh họa
“Khi NASA quyết định chế tạo và đưa kính thiên văn Kepler vào hoạt động, chúng tôi không biết liệu các ngoại hành tinh, đặc biệt là những ngoại hành tinh nhỏ, có bề mặt cứng có số lượng nhiều ít ra sao trong dãy ngân hà. Nhưng giờ chúng ta biết rằng các ngoại hành tinh như vậy rất phổ biến và hầu hết các ngôi sao trong dãy Ngân hà đều có hệ hành tinh, do đó nhiều khu vực trong dãy Ngân hà đều có các hành tinh có thể chứa sự sống” - Paul Hertz, Giám đốc Vật lý Thiên văn NASA, cho biết.
Kepler phát hiện các hành tinh mới bằng cách theo dõi hơn 100.000 ngôi sao trong nhiều năm. Khi có một hành tinh đi qua trước ngôi sao, một phần ánh sáng từ ngôi sao sẽ bị chặn. Tuy nhiên, đó chỉ là dấu hiện đầu của quá trình tìm kiếm. Để chắc chắn việc ánh sáng thật sự do một hành tinh chặn lại, các nhà khoa học phải tiếp tục quan sát bằng nhiều kính thiên văn khác.
Kính viễn vọng Kepler được NASA đưa vào sử dụng từ năm 2009 với sứ mệnh khám phá các hành tinh có sự sống ngoài vũ trụ.
NASA ước tính có gần 550 hành tinh là hành tinh đá giống Trái đất. Trong số đó có chín hành tinh nằm trong “vùng Goldilocks”, khu vực quanh một ngôi sao có nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh, đủ để cho nước ở thể lỏng và có thể có sự sống. Trước đây, Kepler chỉ xác định được 12 hành tinh nằm trong khu vực này. Với việc phát hiện chín hành tinh nói trên, tổng số ngoại hành tinh trong vùng có thể sinh sống được hiện là 21.
Cùng với 1.284 hành tinh mới được xác định, các phân tích của Timothy Morton, nhà nghiên cứu tại ĐH Princeton, cũng cho thấy khoảng 1.327 thực thể khác có khả năng là hành tinh, tuy nhiên sẽ cần nhiều nghiên cứu khác để xác định.
Năm tới, NASA có kế hoạch phóng một kính viễn vọng không gian khác mang tên TESS. Tương tự như Kepler, TESS sẽ rà soát toàn bộ bầu trời để tìm kiếm các hành tinh có kích cỡ tương đương Trái đất quanh các ngôi sao. Với hai kính thiên văn này, các nhà thiên văn học sẽ dễ dàng nghiên cứu các hành tinh hơn để tìm ra một Trái đất mới cho sự sống.