Ngày 4-12, hội nghị các ngoại trưởng NATO bắt đầu ở Brussels (Bỉ) và kéo dài đến hết hôm nay, 5-12. Hội nghị NATO diễn ra ngay lúc an ninh khu vực và thế giới có nhiều biến động, mới nhất là chuyện Nga bắt ba tàu hải quân Ukraine ở biển Đen. Một ngày trước kỳ họp, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg họp báo cho biết các ngoại trưởng NATO sẽ tập trung bàn về các thách thức an ninh, bao gồm cả “thái độ gây bất ổn của Nga”. Nhiều nhà quan sát nhận định chủ đề nóng Nga bắt tàu Ukraine sẽ “chiếm diễn đàn” tại hội nghị này.
Từ tuần trước, khi sự việc mới xảy ra, Ukraine lên tiếng rằng Nga triển khai nhiều tàu chiến phong tỏa eo biển Kerch gần bán đảo Crimea ở biển Đen, một động thái vô hiệu hóa hoàn toàn hoạt động các cảng của Ukraine ở biển Đen. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cảnh báo khả năng Nga xâm lược Ukraine, kêu gọi NATO hỗ trợ bằng cách triển khai tàu chiến đến biển Azov vốn là khu vực Ukraine và Nga cùng chia sẻ theo một thỏa thuận năm 2003. Hải quân Ukraine cũng đang cố thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO, phong tỏa eo biển Bosphorus với các tàu Nga. Ông Poroshenko cũng đề nghị Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt Nga.
Mới chỉ là lời nói
Tuy nhiên, ngoài những tuyên bố ngoại giao, đến thời điểm này các đồng minh phương Tây của Ukraine vẫn chưa đưa ra sự hỗ trợ nào. Đáp lại lời kêu gọi từ phía Ukraine, NATO không có dấu hiệu gì cho thấy đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu hàng hải với Nga. Ông Stoltenberg chỉ kêu gọi Nga “không cản trở tiếp cận các cảng biển Ukraine cũng như đảm bảo tự do hàng hải cho Ukraine ở biển Azov và eo biển Kerch”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cuối tuần trước nói không ủng hộ giải quyết khủng hoảng Nga-Ukraine bằng giải pháp quân sự. Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier thì bác bỏ đề nghị của Ukraine rằng Đức nên ngưng dự án Nord Stream 2 - hợp tác xây dựng đường ống khí đốt dưới biển để mua trực tiếp khí đốt từ Nga. Về đề nghị trừng phạt Nga, theo nhiều nhà ngoại giao, khả năng sẽ không xảy ra ít nhất trong tương lai gần.
Tàu chiến NATO trong một cuộc tập trận ở biển Đen. Ảnh: AFP
Trong các đối tác NATO tham gia hội nghị các ngoại trưởng NATO có Ukraine. Và chưa biết liệu tại hội nghị này các thành viên NATO có thống nhất được một kế hoạch phản ứng với Nga nhằm bảo vệ Ukraine hay không. Theo nhà phân tích người Nga Nicholas Redman tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS, Mỹ), NATO đang phải chịu áp lực rất lớn khi cần phải duy trì cân bằng trong hành động, trong bối cảnh Nga ngày càng trở nên khó lường. Sau khi sáp nhập Crimea năm 2014, Nga tăng sức mạnh quân sự ở các vùng biển quanh bán đảo này. Tuy nhiên, hoạt động của Mỹ và châu Âu ở biển Đen và biển Azov không thể so với sự tích cực hỗ trợ tự do hàng hải của Mỹ ở biển Đông. Trước hội nghị này, nhiều nước NATO đã đề xuất tăng cường hiện diện và nâng cấp các chiến dịch của NATO ở biển Đen đối phó Nga.
Liệu NATO sẽ hành động?
Kyivpost dẫn nhận định một số nhà báo quân sự rằng NATO có thể sẽ triển khai tàu chiến đến giúp Ukraine trong bối cảnh Ukraine thiết quân luật. Theo Tổng biên tập Orest Sokhar của báo Obozrevatel (Ukraine), lý do chính ông Poroshenko ban bố thiết quân luật có thể là nhằm tạo điều kiện để NATO can thiệp trong trường hợp có xung đột. Và theo ông Sokhar, Nga đã có sự chuẩn bị rất kỹ và từ rất lâu cho viễn cảnh này.
Ngược lại, GS ngoại giao quốc tế tại ĐH Columbia (Mỹ) - cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Stephen Sestanovich nhận định khả năng NATO sẽ không ra tay. Lý do là các nước NATO không muốn kích động thêm tình hình và kéo Nga vào thế đối đầu thêm. Hay nói cách khác NATO sẽ “rất miễn cưỡng” làm điều gì có rủi ro tạo ra đối đầu quân sự với Nga.
Cụ thể, GS Sestanovich dự báo phản ứng của các ngoại trưởng NATO có thể cũng chỉ tương tự phản ứng của các ngoại trưởng G7 cuối tuần trước: Kêu gọi các bên giảm căng thẳng, kêu gọi Nga thả tàu và thủy thủ Ukraine và không cản trở tàu Ukraine đi qua eo biển Kerch. Các ngoại trưởng NATO tới đây cũng sẽ tuyên bố ủng hộ Ukraine, không công nhận Crimea thuộc Nga, cảnh báo hậu quả nếu Nga tiếp tục gây hấn. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở mức lời nói và cảnh cáo.
Một lý do nữa cho thấy mong muốn của ông Poroshenko khó thành hiện thực khi Ukraine không phải là thành viên NATO. Hiện tại Ukraine, cùng với Bosnia, Herzegovina, Georgia và Macedonia, được NATO đưa vào danh sách các nước mong muốn trở thành thành viên NATO, bước đầu tiên để gia nhập NATO. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, tới vài chục năm nữa Ukraine khả năng lớn cũng chưa đạt mục tiêu này.
Để được phép xin gia nhập NATO, trước hết chính phủ Ukraine phải được sự đồng thuận của Quốc hội Ukraine, điều chưa có gì chắc chắn dù ông Poroshenko nói quyết định cuối cùng sẽ có vào tháng 12-2019. Thứ hai, quân đội Ukraine phải đảm bảo tương thích với quân đội các nước NATO. Một khó khăn nữa là thực tế lợi ích từ việc Ukraine gia nhập không cân xứng với nguy cơ tăng đối đầu với Nga mà NATO phải chịu.
Dựa theo cách phản ứng của Nga trên các vùng biển những năm gần đây, GS Sestanovich nhận định Nga sau khi thực hiện kiểm tra xong vùng biển mà trong trường hợp này là eo biển Kerch và đặc biệt khi Ukraine có dấu hiệu lùi, Nga cũng sẽ lùi lại để tình hình không leo thang thêm.
Nhóm ba tàu hải quân Ukraine bị Nga bắt khi di chuyển từ cảng Odessa ở biển Đen qua eo biển Kerch để sang cảng Mariupol ở biển Azov - nơi nước này đang xây dựng một căn cứ hải quân. Đây là lần thứ hai hải quân Ukraine di chuyển qua eo biển Kerch từ khi Nga sáp nhập Crimea. Hiện ba tàu Ukraine bị Nga đưa về neo đậu tại cảng Kerch thuộc Crimea, 24 thủy thủ bị giam hai tháng trong thời gian chờ xét xử. Chưa rõ Ukraine tới đây sẽ có những bước đi gì để Nga trả lại ba tàu và 24 thủy thủ của mình; và cũng chưa rõ Nga sẽ phản ứng thế nào với bước đi của Ukraine. |