NATO thiệt hại như thế nào nếu Mỹ rút khỏi?

Một báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) trụ sở London chỉ ra rằng nếu Mỹ đột ngột rút khỏi NATO, các thành viên còn lại sẽ chịu thiệt hại 357 tỉ USD và phải 15-20 năm nữa mới có thể khôi phục năng lực quốc phòng của NATO.

Nghiên cứu được Bộ Ngoại giao Đức tài trợ cho rằng các thành viên NATO cần phải mua sắm thêm khí tài trên bộ, máy bay, hệ thống phòng thủ và tàu chiến để bảo vệ an ninh NATO khi không còn Mỹ.

Binh sĩ Đức tại một buổi lễ chào mừng một tiểu đoàn Đức được triển khai tới Lithuania hồi năm 2017. Ảnh: REUTERS

Báo cáo đưa ra hai kịch bản, tất cả cho khả năng Mỹ rút khỏi NATO vào đầu những năm 2020.

Trong kịch bản đầu tiên, các quốc gia châu Âu cần thay thế các khí tài hải quân của Mỹ vốn đang làm nhiệm vụ bảo vệ các lợi ích của liên minh tại các vùng biển quốc tế. Theo tính toán của các chuyên gia, các thành viên NATO còn lại cần 94-110 tỉ USD để mua thiết bị mới, trong đó chi 20-31 tỉ USD mua 16 tàu chiến, và 19-21 tỉ USD cho khu trục hạm trang bị tên lửa phòng không tân tiến.

Kịch bản thứ hai cho thấy sẽ bùng nổ một cuộc chiến tranh trên mặt đất với Nga trong trường hợp căng thẳng ở khu vực Kaliningrad nằm giữa Lithuania và Ba Lan dâng cao. Lúc này, ngân sách chi tiêu thậm chí cao hơn, dao động từ 288 đến 357 tỉ USD cho việc mua thiết bị, trong đó 78 tỉ USD mua 90 hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot, xe tăng chiến đấu chủ lực, tàu chiến và máy bay.

Báo cáo của IISS nhấn mạnh chi phí trên không bao gồm một cuộc chiến tranh toàn diện ở châu Âu mà chỉ là một cuộc chiến tranh khu vực hạn chế, trong đó NATO có thể thắng thế trước một đối thủ ngang hàng như Nga.

Báo cáo không chỉ rõ nguyên nhân thực sự khiến Nga tấn công các nước láng giềng song thông tin trong nghiên cứu luôn xoay quanh quốc gia này. Nga được đề cập 220 lần trong tài liệu 51 trang.

Nga nhiều lần tuyên bố nước này không có ý định xâm chiếm bất kỳ quốc gia nào. Ngược lại, Nga cáo buộc NATO tăng cường quân sự dọc biên giới Nga suốt 20 năm qua.

Anh tháng trước triển khai 5 chiếc trực thăng Apache tới Estonia nhằm tăng cường hiện diện của NATO dọc biên giới với Nga. Ảnh: SPUTNIK

IISS kết thúc báo cáo của mình bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đóng góp của Mỹ vào NATO, nói rằng đó là “phép thử thực tế cho cuộc tranh luận đang diễn ra về tính tự chủ chiến lược của châu Âu”.

Nỗi lo của giới chức NATO về khả năng Mỹ rút khỏi khối liên minh quân sự này ngày một dâng cao sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump nhiều lần công khai đặt nghi vấn về mức độ hiệu quả của liên minh NATO trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố cũng như chỉ trích các đồng minh không thực hiện đúng cam kết chi tiêu quốc phòng mà liên minh đặt ra.

Đầu năm nay, tờ The New York Times đưa tin Tổng thống Trump đã nhiều lần đặt vấn đề với các quan chức cấp cao của ông hồi năm 2018 về việc Mỹ rút khỏi NATO.

Nhà Trắng sau đó gọi thông tin trên là “vô nghĩa và không chính xác”, nhấn mạnh sự cam kết của Mỹ đối với khối là “cực kỳ bền chặt”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm