Mỹ quan tâm đến quyết định của Nga về cung cấp hệ thống phòng không S-300 cho Iran. Ngày 13-4 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf tuyên bố như trên.
Người phát ngôn cho biết Ngoại trưởng John Kerry đã điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về vấn đề này. Người phát ngôn lưu ý tính đến hoạt động gây bất ổn của Iran trong khu vực như ở Yemen, Syria và Lebanon, đây không phải lúc bán cho Iran loại vũ khí như thế.
Trước đó, hãng tin Sputnik (Nga) đưa tin Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh dỡ bỏ lệnh cấm bán tên lửa đất đối không S-300 cho Iran.
Năm 2007, Nga đã ký với Iran hợp đồng trị giá 800 triệu USD về cung cấp cho Iran năm dàn tên lửa phòng không S-300.
Đến tháng 10-2010, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev lúc bấy giờ đã hủy bỏ hợp đồng căn cứ Nghị quyết 1929 của Hội đồng Bảo an LHQ. Nghị quyết cấm cung cấp vũ khí tấn công cho Iran vì chương trình hạt nhân Iran.
Giải thích sắc lệnh của Tổng thống Putin cho phép tiếp tục cung cấp tên lửa đất đối không S-300 cho Iran, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố: “Lệnh cấm vận về cung cấp tên lửa S-300 cho Iran không còn cần thiết nữa. Đặc biệt tên lửa S-300 chỉ mang tính chất phòng thủ”.
Tổ hợp tên lửa đất đối không S-300PMU2 Favorit của Nga đạt tầm bắn 195 km. Ảnh: SPUTNIK
Ông nhấn mạnh: “Cung cấp tên lửa S-300 không mang lại đe dọa nào cho bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, kể cả Israel”.
Ông lý giải tình hình Trung Đông mà đặc biệt là tình hình Yemen đang rất căng thẳng, do đó Iran rất cần tên lửa S-300. Vả lại, mới đây nhóm P5+1 (năm nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức) cùng với Iran đã đạt được thỏa thuận khung về hạt nhân Iran.
Ông nói Nga cũng tính toán đến uy tín và thương mại. Do ngừng hợp đồng năm 2007 nên Nga mất đi khoản tiền đáng kể.
Sau khi Nga hủy hợp đồng với Iran, quan hệ hai bên đã bị ảnh hưởng. Iran đã kiện Công ty Nga Rosoboronexport ra tòa án trọng tài quốc tế và đòi bồi thường 4 tỉ USD.
Đến đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Nga SergeyShoygu sang thăm Iran. Hai bên đã xích lại gần nhau hơn với nghị định thư về tăng cường hợp tác quân sự vì lợi ích song phương được ký kết.
Nga cam kết thay vì bán tên lửa S-300 cho Iran theo hợp đồng cũ (không còn sản xuất nữa) thì Nga sẽ cung cấp tên lửa phòng không Antey-2500 (S-300VM) là phiên bản mới của S-300.
Đài truyền hình quốc gia Nga RT cho biết trong thông báo ngày 13-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cũng thừa nhận Nga không vi phạm lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an LHQ đối với Iran.
Về phía Iran, Bộ trưởng Quốc phòng Hossein Dehghan đã lên tiếng khen ngợi quyết định của Nga về bán tên lửa S-300 cho Iran.
Trong khi đó, Israel cực lực phản đối. Ngoại trưởng Yuval Steinitz cho rằng thỏa thuận khung về hạt nhân Iran hôm 2-4 đã hợp thức hóa Iran trên trường quốc tế, từ đó dẫn đến chuyện Nga bán tên lửa cho Iran.
Ông khăng khăng cho rằng Iran sẽ khai thác tình hình tăng trưởng kinh tế sau khi được dỡ bỏ cấm vận để trang bị vũ khí chứ không phải bảo đảm phúc lợi cho người dân Iran.
Đêm 13-4 , Ngoại trưởng John Kerry đã tham dự cuộc họp kín với 435 nghị sĩ Hạ viện để trình bày chi tiết thỏa thuận khung về hạt nhân Iran đạt được ở Lausanne (Thụy Sĩ) hôm 2-4. Hôm sau ông sẽ tham vấn Thượng viện. Hỗ trợ cho ông là Bộ trưởng Tài chính Jack Lew và Bộ trưởng Năng lượng Ernest Moniz. Trong khi đó, dự kiến bên lề hội nghị ngoại trưởng G7 ở Lubeck (Đức) ngày 15-4, nhà thương lượng Mỹ Wendy Sherman sẽ thảo luận với châu Âu về các chi tiết kỹ thuật của thỏa thuận khung cần được thực hiện tiếp theo. _________________________________________ Thái độ phản đối phi vụ bán (tên lửa S-300) của chúng tôi đã được thể hiện công khai và bày tỏ từ rất lâu. Chúng tôi nghĩ rằng phi vụ như thế không giúp ích gì trong bối cảnh quan hệ với Iran. Chúng tôi quan tâm đến mọi phi vụ bán công nghệ tiên tiến (cho Iran). Người phát ngôn Lầu Năm Góc |