Thỏa thuận khung về hạt nhân Iran các nước P5+1 và Iran đạt được ở Lausanne (Thụy Sĩ) hôm 2-4 chỉ là chặng cuối cùng của một quãng đường dài đàm phán.
12 năm đàm phán trắc trở
Theo báo Le Monde, tháng 8-2002 đã xuất hiện thông tin Iran che giấu cơ sở làm giàu uranium ở Natanz và lò phản ứng nước nặng ở Arak. Tổng thống Mỹ George W. Bush đòi đưa Iran ra Hội đồng Bảo an LHQ.
Tiền đề: Tháng 10-2003, Ngoại trưởng Pháp Dominique de Villepin cùng những người đồng cấp Anh Jack Straw và Đức Joschka Fischer sang Iran. Tình hình lúc đó rất nóng. Mỹ đã xâm chiếm Iraq và lật đổ Saddam Hussein hồi tháng 4-2003. Iran lo sợ can thiệp quân sự.
Dù vậy bước đầu thì ổn. Tổng thống cải cách Mohammad Khatami chấp thuận đàm phán. Sau đó Iran ngừng chương trình hạt nhân và đồng ý cho IAEA thanh sát (Iran chỉ có 160 lò ly tâm). Châu Âu hứa giúp Iran phát triển hạt nhân dân dụng.
Sa lầy: Sau hai năm, đàm phán đã sa lầy. Iran mất kiên nhẫn và nối lại chương trình hạt nhân. Giai đoạn cải cách ở Iran chấm dứt khi Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad cầm quyền năm 2005. Năm 2006, LHQ thông qua nghị quyết đầu tiên về cấm vận Iran (sau đó có thêm năm nghị quyết nữa).
Tổng thống Obama lên cầm quyền ở Mỹ đã thay đổi cục diện. Tháng 5-2009, ông gửi thư cho giáo chủ Ali Khamenei ủng hộ thúc đẩy ngoại giao để giải quyết hạt nhân Iran. Sau đó ông đề nghị cung cấp cho Iran uranium làm giàu 20% mà Iran cần cho trung tâm nghiên cứu y học ở Tehran. Bù lại Iran phải trao cho phương Tây kho một tấn uranium làm giàu 5% (khá đủ để chế tạo bom hạt nhân).
Giáo chủ Iran nghi ngờ thỏa thuận này sẽ có lợi cho tổng thống Iran (đối thủ của giáo chủ) nên bác bỏ. Phe chống đối sáng kiến của ông Obama ở Mỹ cũng phản đối. Khi Iran sẵn sàng đàm phán vào năm 2003 thì Mỹ chưa sẵn sàng. Tình hình đảo ngược vào năm 2009.
Tổng thống Mỹ và tổng thống Iran vui mừng với thỏa thuận khung về hạt nhân Iran nhưng thủ tướng Israel quyết liệt phản đối. Biếm họa của DARYL CAGLE (Mỹ).
Ngày 3-4, người dân Tehran (Iran) chào đón Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif trở về nước sau đàm phán ở Lausanne (Thụy Sĩ). Ảnh: APA8
Nhảy vọt: Tình hình chỉ được mở trói khi tổng thống ôn hòa Hassan Rohani lên cầm quyền ở Iran vào tháng 6-2013. Sau 10 năm đối đầu, hai bên chỉ toàn kẻ bại trận. Kinh tế Iran bị cấm vận phương Tây ảnh hưởng nặng nề còn số lò ly tâm của Iran tăng lên gấp 10 lần.
Đến ngày 24-11-2013, Iran và nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận tại Genève về tạm đóng băng chương trình hạt nhân Iran và dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận. Kế đến là thỏa thuận đạt được ở Lausanne hôm 2-4.
Obama và Rohani cùng thắng
Thỏa thuận khung về hạt nhân Iran đạt được hôm 2-4 sẽ mở đường cho lệnh cấm vận quốc tế đối với Iran được dỡ bỏ, Iran sẽ duy trì chính sách hòa hoãn và hòa nhập cộng đồng quốc tế.
Theo báo Le Figaro, đây là chiến thắng ngoại giao và chính trị giòn giã của Tổng thống Iran Hassan Rohani. Về đối nội, ông đã tạo được cho người dân Iran viễn ảnh thay đổi cuộc sống tốt hơn. Các nhà hoạch định kinh tế Iran sẽ bắt đầu nghiên cứu các dự án hợp tác. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng chuẩn bị sẵn sàng đổ bộ vào Iran.
Tổng thống Rohani và các cộng sự sẽ có tương lai trong các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng các chuyên gia (86 giáo sĩ) vào tháng 2-2016.
Đây cũng là ván cờ thắng lợi của Tổng thống Barack Obama. Từ đầu nhiệm kỳ, ông đã kiên trì xem thỏa thuận về hạt nhân với Iran là ván bài chủ chốt trong chiến lược Trung Đông.
Đây cũng là ván cá cược của ông khi quyết định đàm phán với một trong những đối thủ mạnh của Mỹ. Ông chấp nhận đối đầu với thái độ phản kháng mạnh mẽ từ đồng minh Israel và đảng Cộng hòa.
Ông lập luận cấm vận để Iran khỏi chế tạo bom hạt nhân sẽ không đạt được mục đích nếu không có đàm phán và thương lượng. Nếu thỏa thuận cuối cùng được ký kết vào cuối tháng 6, ông đã gặt hái thành công trong đối ngoại trong bối cảnh Mỹ đang gặp khó khăn với Nga và ở Trung Đông.
Những người thua sẽ phá đám
Trong nội bộ Mỹ, từ nhiều tuần trước, đảng Cộng hòa thông báo đã trao cho Hạ viện một dự luật mới về gia tăng cấm vận đối với Iran. Hạ viện sẽ xem xét dự luật này vào ngày 14-4 sau kỳ nghỉ hè.
Một số người trong đảng Cộng hòa chỉ trích Tổng thống Obama là con người ngây thơ, mở đường cho Iran phát triển hạt nhân. Thượng nghị sĩ Mark Kirk châm biếm: “Neville Chamberlain đã ký hiệp ước tốt nhất với Adolf Hitler”.
Trong nội bộ Iran, ông Hossein Shariat-Madari, cố vấn của giáo chủ Ali Khamenei và là chủ biên tờ báo bảo thủ Kahyan, đã đánh giá thỏa thuận khung mới đạt được: “Iran đã đổi một con ngựa đua lấy một con nghẽo không cương”.
Thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu là người phản ứng mạnh mẽ nhất với thỏa thuận khung mới đạt được. Israel dựa vào mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ để bảo đảm cho an ninh Israel trong khu vực. Nay Israel cho rằng thỏa thuận khung mới đạt được chứng tỏ Mỹ đang tiến hành chiến lược mới ủng hộ Iran và quay lưng với các đồng minh truyền thống như Israel và Saudi Arabia.
Diện mạo Trung Đông sẽ thay đổi
Thỏa thuận khung về hạt nhân Iran đạt được hôm 2-4 mang đậm ý nghĩa chính trị và chiến lược.
Quan hệ Mỹ-Iran: Đài truyền hình Pháp Europe 1 nhận định thỏa thuận khung lịch sử này sẽ hòa giải Mỹ-Iran, hâm nóng quan hệ hai nước vốn đã nguội lạnh 35 năm qua sau khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran qua sự kiện đại sứ quán Mỹ ở Tehran bị tấn công.
Cho dù phe bảo thủ trong nội bộ của Mỹ và Iran cản trở, hai bên vẫn có thể bí mật hợp tác để giải quyết các vấn đề khủng hoảng khu vực.
Bước ngoặt trong đối đầu Shiite/Sunni: Thỏa thuận khung mới đạt được sẽ làm thay đổi diện mạo Trung Đông. Yemen hiện thời là bãi chiến trường của hai dòng Hồi giáo Shiite và Sunni. Quân nổi dậy Houthi (Shiite) có Iran hậu thuẫn đã chiếm thủ đô, đẩy tổng thống dòng Sunni lưu vong ở Saudi Arabia.
Saudi Arabia cùng với liên quân Ả Rập đã không kích quân nổi dậy Houthi ở Yemen. Nếu Mỹ và Iran cùng bắt tay giải quyết, vấn đề Yemen sẽ được giải quyết.
Chống Nhà nước Hồi giáo: Từ nhiều tháng trước, Mỹ và Iran đã trao đổi với nhau về đấu tranh chống Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria. Hồi tháng 2, Ngoại trưởng John Kerry đã thừa nhận Mỹ và Iran có chung lợi ích trong công cuộc chống Nhà nước Hồi giáo.
Dù Mỹ từ chối hợp tác quân sự với Iran chống Nhà nước Hồi giáo, hai nước mặc nhiên trở thành đồng minh khi cùng yểm trợ Iraq đánh Nhà nước Hồi giáo trong chiến dịch tấn công TP Tikrit (Iraq).
Iran sẽ thoát khỏi cảnh cô lập Nếu cấm vận quốc tế được hủy bỏ, Iran với 78 triệu dân sẽ trở thành vùng đất thiên đàng đối với các nhà đầu tư. Iran sẽ là thị trường lớn cần xí phần. Người dân Iran xuống đường ăn mừng vào đêm 2-4 cũng vì viễn ảnh ấy. Cấm vận đã bóp nghẹt lĩnh vực xuất khẩu dầu thô vốn mang lại nguồn thu sống còn cho Iran. Iran đã tụt giảm hơn 50% sản lượng dầu xuất khẩu. 100 tỉ USD thu nhập từ dầu mỏ cũng đã bị phong tỏa. Ngoài ra các nghị quyết cấm vận của LHQ từ năm 2006 đến 2010 còn phong tỏa các tài khoản cá nhân, ngân hàng và doanh nghiệp có liên quan đến chương trình hạt nhân Iran. Nếu lệnh cấm vận đối với Iran được dỡ bỏ, về ngắn hạn giá dầu thế giới có thể bị ảnh hưởng bởi lẽ Iran có thể xuất khẩu 2,5 triệu thùng/ngày thay vì 1,2 triệu thùng/ngày như hiện nay. Như vậy nguồn cung cấp dầu sẽ dồi dào hơn trong bối cảnh cung đã vượt cầu. |