Việc Ukraine tấn công tỉnh Kursk của Nga trở thành vấn đề mới đẩy căng thẳng giữa Mỹ và Nga thêm leo thang. Moscow cáo buộc Washington hỗ trợ Ukraine tấn công lãnh thổ Nga, trong khi Mỹ khẳng định không liên quan cuộc tấn công của Kiev vào Nga.
Nga triệu tập đại biện Mỹ
Ngày 20-8, Bộ Ngoại giao Nga đã triệu tập đại biện lâm thời Mỹ tại Nga Stephanie Holmes liên quan cáo buộc một công ty quân sự tư nhân Mỹ (PMC) dính líu vụ Ukraine tấn công tỉnh Kursk, theo đài RT.
Trước đó, PMC (được gọi là Nhóm quan sát tiền phương) đã đăng một bức ảnh trên nền tảng Instagram cho thấy các thành viên của PMC mặc đồ quân sự và cầm vũ khí, tuyên bố rằng họ đang tham gia vào cuộc tấn công của Kiev vào khu vực biên giới của Nga. Ba người lính trong bức ảnh được nhìn thấy đeo băng tay màu xanh, loại băng thường được binh sĩ Ukraine đeo trên chiến trường.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, bức ảnh trên "mâu thuẫn" với tuyên bố của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng Washington không liên quan cuộc tấn công của Ukraine vào Nga. Phía Nga nhấn mạnh rằng những hành động này “thể hiện rõ Mỹ đã trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột và sự đồng lõa của nước này trong các kế hoạch của [Tổng thống Ukraine] Volodymyr Zelensky”.
Bên cạnh đó, việc Nga triệu tập đại biện Mỹ cũng nhằm phản đối việc các nhà báo Mỹ xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Nga để đưa tin về cuộc tấn công của Ukraine ở Kursk. Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc rằng các nhà báo này đã “xâm nhập trái phép vào Kursk để tuyên truyền về tội ác của chính quyền Kiev”.
“[Nga] đặc biệt nhấn mạnh rằng công dân Mỹ liên quan [cuộc tấn công của Ukraine ở Kursk] sẽ phải đối mặt với các hành động điều tra cần thiết của các cơ quan có thẩm quyền theo Bộ luật Hình sự của Liên bang Nga để đảm bảo họ phải chịu trách nhiệm. Tất cả các chuyên gia hoặc lính đánh thuê nước ngoài vượt biên trái phép vào Nga sẽ tự động bị coi là mục tiêu quân sự hợp pháp của Lực lượng vũ trang Liên bang Nga" - Bộ Ngoại giao Nga cảnh báo.
Trong một diễn biến liên quan, Cơ quan Tình báo Đối ngoại Liên bang Nga (SVR) cáo buộc 3 quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Mỹ, Anh, Ba Lan đã hỗ trợ Ukraine lập kế hoạch và thực hiện cuộc tấn công vào tỉnh Kursk của Nga, theo tờ Izvestia hôm 21-8.
Trước đó, ngày 19-8, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng Tổng thống Zelensky sẽ không tấn công tỉnh Kursk nếu không có lệnh trực tiếp từ Mỹ. “Mọi người đều hiểu rõ rằng ông Zelensky sẽ không bao giờ quyết định như vậy nếu Mỹ không chỉ thị cho ông ta làm như vậy" - ông Lavrov nói.
Phó đại diện thường trực thứ nhất của Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky cho rằng việc các nước phương Tây hạn chế bình luận về việc Ukraine tấn công tỉnh Kursk vì cuộc tấn công này đã phơi bày bản chất thực sự của Kiev và cảm thấy bối rối vì những gì đang xảy ra ở Kursk, theo hãng thông tấn TASS.
Động thái của Mỹ
Tính đến ngày 21-8, Mỹ chưa lên tiếng về các cáo buộc trên của Nga. Tuy nhiên, phía Washington đã khẳng định nước này không liên quan việc Ukraine tấn công tỉnh Kursk. Các quan chức Mỹ cũng thừa nhận rằng Washington đã không biết về đòn tấn công của Ukraine cho đến sau khi Kiev triển khai chiến dịch.
Vài ngày sau, Tổng thống Zelensky giải thích rằng sở dĩ Kiev đã không tiết lộ quá trình chuẩn bị chiến dịch tấn công tỉnh Kursk với các đồng minh của Ukraine vì thế giới có thể coi đây là hành động vượt qua giới hạn cao nhất trong mọi lằn ranh đỏ của Nga.
Một quan chức cấp cao Mỹ nói với tờ The Wall Street Journal hôm 17-8 rằng Washington không chia sẻ thông tin tình báo với Ukraine về các mục tiêu bên trong nước Nga và nói thêm rằng chính quyền ông Biden không muốn bị coi là cho phép Kiev tấn công vào lãnh thổ Nga.
Dù vậy, phía Mỹ cho biết nước này vẫn tiếp tục ủng hộ Kiev trong bối cảnh Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga. Phó phát ngôn Lầu Năm Góc Sabrina Singh đầu tuần rồi cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã điện đàm với người đồng cấp Ukraine Rustem Umerov nhằm “thảo luận về sự hỗ trợ liên tục từ các đồng minh và đối tác trong việc giúp đáp ứng các yêu cầu quân sự cấp bách của Ukraine".
Theo bà Singh, ông Austin đã “nhắc lại sự hỗ trợ của Mỹ đối với Ukraine và hai bên sẽ tiếp tục duy trì liên lạc chặt chẽ", theo thông cáo đăng trên trang web Bộ Quốc phòng Mỹ (www.defense.gov).
Chính quyền Tổng thống Biden không yêu cầu Ukraine rút lực lượng về cũng không hỗ trợ hoàn toàn cho chiến dịch này. Thay vào đó, chính quyền Mỹ chỉ công khai một cách thận trọng rằng sẽ tiếp tục ủng hộ khả năng tự vệ của Ukraine, theo đài CNN.
Trong một bình luận hiếm hoi, đầu tuần trước, Tổng thống Biden nói rằng việc Ukraine tấn công tỉnh Kursk của Nga tạo ra "một tình thế tiến thoái lưỡng nan thực sự" đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, theo tờ The Kyiv Independent. "[Đòn đánh] đang tạo ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan thực sự cho ông Putin và chúng tôi đã liên lạc trực tiếp, thường xuyên với người Ukraine. Đó là tất cả những gì tôi muốn nói trong bối cảnh cuộc tấn công vẫn đang diễn ra” - ông Biden nói.
Mức độ Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ trong vụ tấn công tỉnh Kursk của Nga
Theo lời 2 quan chức Mỹ nói với đài CNN, chính quyền Tổng thống Biden đã đặt ra giới hạn về việc Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ tại đất Nga. Cũng theo 2 quan chức này, Ukraine có sử dụng vũ khí và phương tiện của Mỹ trong cuộc tấn công tỉnh Kursk của Nga. Các quan chức Mỹ không nói cụ thể ranh giới chính xác mà Mỹ vạch ra nhưng khẳng định Ukraine về mặt kỹ thuật không vi phạm các giới hạn đó.
Bức ảnh hãng tin Reuters chụp hôm 13-8 cho thấy xe bọc thép Humvee hiện diện ở thị trấn Sudzha thuộc tỉnh Kursk của Nga.
Ukraine cũng đã sử dụng bệ phóng tên lửa HIMARS như một phần trong chiến dịch, nhưng các phương tiện này dường như vẫn ở trong lãnh thổ Ukraine. Kiev cũng sử dụng tên lửa GMLRS có tầm bắn xa để tấn công Nga.
Bộ Quốc phòng Nga công bố video từ máy bay không người lái (UAV) cho thấy bệ phóng HIMARS đang bắn tên lửa trong một khu rừng cách biên giới Nga-Ukraine chỉ 8 km. Bộ Ngoại giao Nga cho hay Ukraine có thể đã sử dụng HIMARS để phá hủy một cây cầu bắc qua sông Seym ở tỉnh Kursk.
Các quan chức Mỹ cho hay các giới hạn của Mỹ về việc sử dụng tên lửa tầm xa ATACMS không thay đổi. Ukraine đã sử dụng những tên lửa này để tấn công các hệ thống phòng không của Nga tại bán đảo Crimea.
Đến nay chưa rõ chính xác các phương tiện của Mỹ đã được sử dụng ở mức độ nào trong vụ Ukraine tấn công tỉnh Kursk của Nga.