Nga cảnh báo 'mối đe dọa lớn' khi lượng lớn vũ khí Mỹ lọt vào tay Taliban

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Afghanistan đã biến thành một kho đạn thực sự sau khi lính Mỹ rút khỏi nước này, chấm dứt những gì được coi là cuộc chiến chống khủng bố lâu nhất thế giới.

Theo trang tin The EurAsian Times, trong khi những khí tài quân sự lớn như trực thăng, xe bọc thép mà quân đội Mỹ cho là vô dụng và đã bỏ lại trước khi rời đi thì cũng có những loại vũ khí được cho còn hoạt động tốt, bao gồm tên lửa dẫn đường chống tăng và bị Taliban thu giữ.

Mối đe dọa lớn

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu tuyên bố Mỹ bỏ lại hơn 100 tên lửa dẫn đường chống tăng vác vai Javelin ở Afghanistan. Những tên lửa này đã bổ sung vào kho vũ khí của Taliban.

Đài RT dẫn lời ông Shoigu cho hay Taliban hiện giờ được trang bị vũ khí tốt hơn cả quân đội Ukraine. “Javelin được Mỹ cấp cho Ukraine. Tôi không nhớ bao nhiêu, vài chục hoặc hơn” – ông Shoigu nói.

Binh sĩ Mỹ bắn tên lửa Javelin trong cuộc tập trận bắn đạn thật ở Jordan tháng 8-2019. Ảnh: TWITTER

Theo ông Shoigu, số lượng lớn vũ khí lọt vào tay Taliban là một mối đe dọa lớn.

Bên cạnh Javelin, Taliban hiện có quyền sử dụng trực thăng Black Hawk, máy bay Hercules và hàng ngàn xe quân sự Humvee cùng một số phương tiện khác. Taliban còn sở hữu hàng ngàn khẩu súng các loại.

Tuần trước, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby thừa nhận chính quyền Mỹ không biết gì về số vũ khí bị Taliban thu giữ.

“Rõ ràng, chúng tôi không muốn nhìn thấy bất kỳ vũ khí hay hệ thống nào rơi vào tay những người sẽ sử dụng chúng theo cách làm tổn hại lợi ích của chúng tôi hoặc lợi ích của các đối tác và đồng minh của chúng tôi” – ông Kirby nói.

 Những nước lân cận nào có tên lửa dẫn đường chống tăng?

Trung Quốc, nước láng giềng của Afghanistan đã thử nghiệm tên lửa chống tăng vác vai HJ-12 tự chế. Tên lửa này được xác nhận sẽ đưa vào phục vụ trong quân đội Trung Quốc sau khi ra mắt tại cuộc tập trận do Bộ chỉ huy quân sự Tây Tạng thuộc quân đội Trung Quốc tổ chức.

Theo báo Global Times (Trung Quốc), tên lửa HJ-12 hoạt động theo cơ chế “bắn và quên”, thường được so sánh với tên lửa Javelin của Mỹ. HJ-12 có khả năng phá hủy xe tăng chiến đấu chủ lực trên thế giới.

Chó nghiệp vụ của Mỹ được sơ tán khỏi Afghanistan. Ảnh: TWITTER

Iran, nước láng giềng của Afghanistan ở phía tây, cũng sở hữu tên lửa dẫn đường chống tăng bản địa – Toophan. Tên lửa này có ít nhất 11 biến thể nhưng có rất ít thông tin, bao gồm các biến thể có dẫn đường bằng laser, đầu đạn nhiệt áp, đầu đạn nổ đúp với khả năng xuyên thủng gia tăng.

Như báo cáo trước đó của The EurAsian Times, quân đội Ấn Độ được cho đã mua hơn 200 tên lửa chống tăng Spike thông qua con đường mua sắm khẩn cấp hồi tháng 12-2020, ngay sau cuộc không kích Balakot năm 2019. Những tên lửa này có thể được phóng từ các phương tiện, trực thăng, tàu chiến và bệ phóng mặt đất.

Tên lửa Javelin

Tên lửa Javelin được phát triển và sản xuất cho Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ. Tên lửa Javelin là sản phẩm của tập đoàn Lockheed Martin và Raytheon.

Hoạt động theo cơ chế “bắn và quên”, Javelin cho phép xạ thủ phóng vũ khí và nhanh chóng rút khỏi vị trí ngay sau khi bắn. Javelin sử dụng hệ thống dẫn đường hồng ngoại để tự di chuyển tới mục tiêu, không như các loại vũ khí chống tăng vác vai trước đây phải được người điều khiển hướng dẫn tới mục tiêu.

Tên lửa Javelin và bệ phóng của nó nặng 22 kg, riêng tên lửa nặng 15 kg. Javelin có tầm bắn 2.500 m – 4.000 m.

Thủy quân lục chiến Mỹ bắn tên lửa FGM-148 Javelin tại thao trường Babadag (Romania). Ảnh: Staff Sgt. Jessica Smith/U.S. Marine Corps

Hệ thống có thể chỉ cần một người bắn nhưng thông thường kíp chiến đấu luôn có hai người tham gia, một người mang bệ phóng và người còn lại mang đạn tên lửa.

Tên lửa Javelin dùng kiểu “phóng mềm”, dùng liều phóng phụ đưa quả đạn ra khỏi ống phóng nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn cho xạ thủ, trước khi động cơ chính tên lửa được kích hoạt bay tới mục tiêu. Kiểu phóng này giúp việc phóng có độ giật thấp.

Kiểu “phóng mềm” cho phép bắn tên lửa từ bên trong các tòa nhà hoặc những vị trí có mái che.

Vũ khí này có hai chế độ tấn công, là tấn công trực tiếp và tấn công ở chế độ đánh từ trên xuống nóc của mục tiêu. Xạ thủ chọn chế độ đánh thẳng vào mục tiêu khi muốn “kết liễu” các mục tiêu có che chắn, boongke, tòa nhà và trực thăng. Còn chế độ tấn công từ trên xuống nóc mục tiêu được chọn trong trường hợp chống lại xe tăng, khi đó tên lửa "đột nóc" xe tăng, nơi có lớp giáp mỏng nhất.

Javelin được phóng ở góc nâng 18 độ để đạt độ cao cao nhất 150 m cho kiểu tấn công đột nóc và 50 m cho kiểu tấn công trực tiếp.

Javelin được bán sang 18 quốc gia đối tác của Mỹ, trong đó có Ukraine, Pháp, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ukraine 'nắm thóp' lỗ hổng phòng không Nga

Ukraine 'nắm thóp' lỗ hổng phòng không Nga

(PLO) - Những hệ thống phòng không Nga không được thiết kế để đối phó các cuộc tấn công của Ukraine ở phía nam, mà là để đối phó các cuộc tấn công của NATO ở phía tây.