Ngày 30-4, giới chức Venezuela xác nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido đã kêu gọi đảo chính dưới sự hậu thuẫn của một nhóm nhỏ lực lượng quân đội. Tổng thống Maduro đã đưa ra các biện pháp đối phó, trong khi dư luận quốc tế cũng đã có những phản ứng đa chiều trước nguồn thông tin này.
"Ông Maduro phải rời đi"
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã đưa ra lời phát biểu về các cuộc biểu tình, và Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio cũng kêu gọi quân đội Venezuela ủng hộ Guaido trên trang Twitter cá nhân.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cũng đã đăng bài tweet ủng hộ ông Guaido, và Phó tổng thống Brazil Hamilton Mourao nói với báo chí rằng bế tắc chính trị đã trở thành một khoảnh khắc "không thể quay đầu lại".
Lãnh đạo phe đối lập Leopoldo Lopez kêu gọi người dân đảo chính giành chính quyền. Ảnh: REUTERS
"Guaido và Leopoldo Lopez đang ở trong tình huống không thể quay đầu lại. Sau thời điểm này, họ sẽ bị bắt hoặc ông Maduro sẽ rời đi", ông Mourao nói.
Tổng thống Colombia Ivan Dunque kêu gọi người dân Venezuela và quân đội "đứng về phía ông Guaido. Bộ trưởng Ngoại giao Ecuador, ông Jose Valencia cũng đã tweet "sự hỗ trợ mạnh mẽ" của chính phủ đối với ông Guaido.
"Đảo chính đang dẫn đến bạo lực và chết chóc"
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc họp với Hội đồng an ninh quốc gia, đề cập đến tình hình tại Venezuela. Bộ Ngoại giao Nga cũng đã đưa ra cáo buộc phe đối lập quốc gia Nam Mỹ kích động bạo lực thay vì giải quyết một cách hòa bình “những khác biệt”.
Trong một dòng trạng thái trên mạng xã hội, Tổng thống Bolivia Evo Morales cũng đã kêu gọi các chính phủ Mỹ La-tinh “cùng nhau” lên án âm mưu đảo chính tại Venezuela và ngăn chặn bạo lực có nguy cơ khiến nhiều dân thường thiệt mạng. Ông Morales cáo buộc Mỹ đang gây ra “bạo lực và chết chóc” tại Venezuela.
Lãnh đạo nhiều quốc gia lên tiếng ủng hộ Tổng thống Maduro. Ảnh: REUTERS
Còn Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel cho biết, Cuba phản đối một cuộc đảo chính là một hành động có thể đổ thêm dầu vào ngọn lửa bạo lực tại Venezuela. Theo ông Canel, những kẻ phản bội đã tự cho mình là người lãnh đạo phong trào đảo chính đang sử dụng binh sĩ và vũ khí hạng nặng tại một khu vực công cộng trong thành phố nhằm gây bất ổn và khủng bố.
Đứng về phía ông Maduro, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu chỉ trích phe đối lập Venezuela đang thách thức Hiến pháp và trật tự quốc gia.
Cần một giải pháp chính trị và hòa bình
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) cũng cho biết, đang theo dõi các diễn biến tại Venezuela, đồng thời kêu gọi “một giải pháp chính trị và hòa bình”.
Trong khi đó, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador cho biết ông vẫn giữ vị trí trung lập của mình đối với Venezuela.
Cuộc đảo chính hôm 30-4 đã khiến không ít người bị thương. Ảnh: AP
Cùng quan điểm, người phát ngôn chính phủ Tây Ban Nha Isabel Celaa cũng cho rằng, không nên để xảy ra “đổ máu” tại Venezuela, đồng thời bày tỏ việc không ủng hộ bất kỳ một cuộc đảo chính quân sự nào.
“Chúng tôi mong muốn với tất cả khả năng của mình rằng sẽ không có đổ máu. Chúng tôi ủng hộ một tiến trình dân chủ hòa bình ở Venezuela và kêu gọi một cuộc bầu cử Tổng thống mới”, người phát ngôn Celaa nói.
Thủ tướng Anh Theresa May cũng nhấn mạnh cần “tập trung vào một giải pháp hòa bình” cho cuộc khủng hoảng.
Ông Maduro tuyên bố đánh bại âm mưu đảo chính
Đài CNN đưa tin, ông Maduro đã nói với những người ủng hộ mình rằng: "Tôi muốn chúc mừng bạn vì thái độ kiên quyết, trung thành và can đảm đã đánh bại sự những kẻ đang cố gắng dìm Venezuela trong bạo lực".
Cùng với đó, hãng tin AP cho hay, vào lúc 5 giờ 25 phút chiều ngày 30-4 (giờ địa phương), Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc của Venezuela Samuel Moncada cũng khẳng định rằng Tổng thống Maduro đã "đánh bại" lãnh đạo phe đối lập Guaido và "đất nước hiện đang ở trong tình trạng hoàn hảo".
Ông Moncada cho biết trong một cuộc họp báo hôm 30-4 rằng ông Maduro "đã thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo an ninh và hòa bình của nhân dân chúng tôi". Ông nói thêm: "Chúng tôi đã đánh bại họ".