Ngày 4-12, hãng tin Sputnik dẫn lời ông Viktor Bondarev, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Thượng viện Nga, rằng Nga và Mỹ cần ngồi lại đối thoại về Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Theo ông, Hiệp ước INF có thể được thay đổi theo tình hình hiện tại, và phạm vi của INF có thể chỉ được áp dụng ở khu vực châu Âu.
Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat của Nga. Ảnh: SPUTNIK
“Những bất đồng hiện nay về Hiệp ước INF có thể được giải quyết với sự giúp đỡ của những cuộc đối thoại toàn diện giữa Nga và Mỹ. Kết quả từ các cuộc đối thoại này có thể là sự thay đổi nội dung hiệp ước” - ông Bondarev nói.
“Chẳng hạn, chúng ta có thể chỉ giới hạn phạm vi áp dụng INF ở khu vực châu Âu trong khi cho phép triển khai các tên lửa tầm trung và tầm ngắn tới những khu vực khác, những nơi cho là cần thiết phải triển khai những vũ khí này” -nhà lập pháp Nga cho biết thêm.
Nga dọa phát triển vũ khí “độc nhất vô nhị”
Tuy vậy, ông Bondarev nhấn mạnh rằng Moscow sẽ phản ứng bằng việc phát triển “các loại vũ khí độc nhất vô nhị” nếu Washington rút khỏi INF.
“Chúng tôi cho rằng cần thiết phải tuân thủ Hiệp ước INF và duy trì hiệp ước này. Đây là quan điểm chính thức của lãnh đạo Nga. Tuy nhiên, nếu Mỹ xé bỏ hiệp ước này, chúng tôi sẽ phải phản ứng bằng loạt biện pháp, trong đó có tăng cường phát triển và triển khai các loại vũ khí độc nhất vô nhị” - ông Bondarev nói.
Ông Bondarev cho rằng Mỹ đã thêu dệt câu chuyện Nga vi phạm INF để làm cái cớ rút khỏi hiệp ước này.
Nga chuẩn bị chạy đua vũ trang
Tin từ Newsweek, Nga đang lên kế hoạch tăng cường lực lượng vũ trang và tổ chức khoảng 4.000 cuộc tập trận để chuẩn bị khả năng Mỹ rút khỏi INF.
Tại buổi họp báo ở TP Sochi (Nga) ngày 4-12, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu nói rằng Nga đang chuẩn bị cho một cuộc chạy đua vũ trang.
“Các biện pháp đang được xem xét để củng cố khả năng chiến đấu của các lực lượng vũ trang trong bối cảnh gia tăng nguy cơ xảy ra cuộc chạy đua vũ trang liên quan đến việc Mỹ có thể sẽ rút khỏi Hiệp ước INF” - ông Shoigu nói.
“Tổng tư lệnh tối cao đã được báo cáo về quá trình xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang, khả năng của họ trong việc đảm bảo an ninh đất nước và chống lại kẻ thù được trang bị công nghệ tiên tiến” - Bộ trưởng Shoigu nói thêm.
Hiện giới chức Nga đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho quân đội mua sắm trang thiết bị mới. Theo truyền thông Nga, bên cạnh các cuộc tập trận, khoảng 8.500 sự kiện huấn luyện tác chiến cũng đã được lên lịch.
Binh sĩ Nga tuần tra gần thị trấn Dzhankoy ở Crimea. Ảnh: GETTY
Hiệp ước INF được Mỹ và Liên bang Xô Viết ký năm 1987, yêu cầu loại bỏ các tên lửa hạt nhân và tên lửa thường tầm ngắn và tầm trung từ 500 km đến 5.500 km của cả hai quốc gia.
Mục đích của thỏa thuận là làm giảm nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh hạt nhân do các tên lửa tầm trung chỉ mất vài phút là có thể bắn trúng mục tiêu và có thể được gắn đầu đạn hạt nhân. Theo thỏa thuận này, Washington đã phá hủy khoảng 850 tên lửa, còn Nga loại bỏ gần 2.000 tên lửa.
Nhiều nhà phân tích vũ khí cho hay trong vài năm qua, Nga thường xuyên vi phạm các điều khoản trong Hiệp ước INF. Trong khi đó Nga tuyên bố các bệ phóng tên lửa mà Mỹ triển khai ở châu Âu là không tuân thủ Hiệp ước INF, dù NATO bác bỏ điều này.
Mỹ ra thời hạn 60 ngày
Những thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4-12 cảnh báo: Nếu Nga không trở lại tuân thủ Hiệp ước INF năm 1987 trước thời hạn 60 ngày thì Mỹ sẵn sàng khởi động tiến trình rút khỏi hiệp ước trong vòng sáu tháng.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thì cho hay: “Chúng tôi kêu gọi Nga ngay lập tức trở lại tuân thủ Hiệp ước INF một cách toàn diện và có thể kiểm chứng được. Hiện giờ phụ thuộc vào Nga có cứu vãn hiệp ước hay không”.
Tuy nhiên, nhật báo Kommersant của Nga cho rằng Moscow nhiều khả năng sẽ phớt lờ yêu cầu này của Mỹ vì điện Kremlin sẽ không hồi đáp “tối hậu thư” trên. Một số chuyên gia nêu ý kiến rằng việc hủy bỏ Hiệp ước INF chính xác là điều Nga muốn, bởi hiệp ước này vốn không được giới lãnh đạo quân đội Nga ủng hộ. Trong khi đó, một số chuyên gia cảnh báo việc rút khỏi Hiệp ước INF có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang.