Ngày 20-8, Nga cho biết bắt đầu vào tuần tới họ sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine ngừa COVID-19 với hàng chục ngàn người, đài Channel News Asia đưa tin.
Hồi tuần trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Sputnik V là vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trên thế giới và con gái ông đã được tiêm thử nghiệm loại vaccine này.
Tuy nhiên, các nhà khoa học và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng loại vaccine này cần được đánh giá độ an toàn một cách nghiêm ngặt trước khi đưa vào sử dụng.
Nga bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vaccine SputnikV trên 40.000 người vào tuần tới. Ảnh: AFP
Trong một tuyên bố hôm 20-8, quỹ tài chính tài trợ cho dự án vaccine tuyên bố rằng các cuộc thử nghiệm về tính sinh miễn dịch và tính an toàn của vaccine Sputnik V sẽ bắt đầu vào tuần tới với hơn 40.000 người tham gia thử nghiệm.
Họ cũng nói rằng cuộc thử nghiệm này tương đương với thử nghiệm giai đoạn 3 mà các loại vaccine khác đang trải qua. Theo hãng thông tấn TASS, các thử nghiệm lâm sàng của Sputnik V đã hoàn tất và thành công mỹ mãn vào tháng 6, 7 vừa rồi. Loại vaccine này được tạo ra trên một nền tảng đã được sử dụng để phát triển một số loại v khác.
Ông Kirill Dmitriyev, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, nói tại một cuộc họp trực tuyến rằng việc tiêm chủng cho các nhóm nguy cơ, bao gồm cả nhân viên y tế, cũng sẽ bắt đầu vào tuần tới trên cơ sở tự nguyện.
Ông Dmitriyev cũng tiết lộ rằng hơn 20 quốc gia đã yêu cầu mua hơn một tỉ liều vaccine, đồng thời cho biết thêm rằng Nga đã có thỏa thuận với một số quốc gia để sản xuất loại vaccine này.
Vị giám đốc Nga còn cho biết các đợt tiêm chủng hàng loạt ở nước này dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 10, và các đợt tiêm chủng đầu tiên dành cho các quốc gia khác sẽ được thực hiện vào tháng 11 hoặc tháng 12 tới.
Loại vaccine này được đặt theo tên là Sputnik V-vệ tinh tiên phong của Liên Xô những năm 1950. Khi mới được công bố, các nhà khoa học phương tây cho rằng Moscow có thể đã đã đi quá nhanh trong quá trình nghiên cứu vaccine COVID-19. Tuy nhiên, Giám đốc Dmitriyev cho rằng sự hoài nghi này đã bắt đầu suy yếu.
"Chúng tôi đã thấy sự thay đổi đáng kể trong giọng điệu từ WHO. Lúc đầu, họ không có đủ thông tin về vaccine của Nga. Nhưng khi bây giờ thông tin chính thức đã được gửi đi và họ sẽ đánh giá nó. Chúng tôi không thấy bất kỳ trở ngại nào đối với các cơ quan quản lý trong việc phê duyệt vaccine của Nga mà không có sự chấp thuận của WHO" - ông Dmitriyev nói.
Tính đến sáng 21-8, Nga đã xác nhận hơn 942.000 ca nhiễm COVID-19, con số này hiện cao thứ tư thế giới sau Mỹ, Brazil và Ấn Độ. Bộ Y tế nước này cũng báo cáo hơn 16.000 trường hợp tử vong do bệnh dịch này gây ra.