Ngành du lịch Việt cần bao lâu để đạt tiêu chí 'xanh'

(PLO)- Với nhiều tiềm năng và cơ hội, Việt Nam cần sớm có cơ chế, xây dựng bộ tiêu chí để xây dựng ngành du lịch “xanh”.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững trở thành xu hướng chung của toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Du lịch xanh sẽ là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu đạt Net Zero (khí thải ròng bằng không) vào năm 2050.

Địa phương tiên phong xây dựng bộ tiêu chí xanh

Theo Tổ chức du lịch thế giới UNWTO, khi phát triển du lịch xanh cần gắn kết chặt chẽ với việc bảo vệ và tôn trọng môi trường, duy trì cuộc sống của người dân một cách bền vững. Ở một mức độ cao hơn, du lịch Net Zero hướng tới mục tiêu giảm thiểu, loại bỏ khí thải carbon cùng những tác động tiêu cực tới các hoạt động du lịch.

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế, cam kết thực hiện và tôn trọng các khuyến nghị của các tổ chức du lịch quốc tế. Cụ thể, tại Nghị quyết 82 về xây dựng kế hoạch vận động quốc gia tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2021-2030, xác định ưu tiên phát triển loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển sản phẩm du lịch phải xanh. Đó là phát triển du lịch gắn với đổi mới công nghệ, sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính để tạo ra sản phẩm xanh độc đáo. Đồng thời phát triển dòng sản phẩm có thế mạnh như: du lịch xanh, du lịch nông nghiệp, khám phá trải nghiệm các di sản tự nhiên, văn hóa.

Ngành du lịch các địa phương xây dựng mô hình du lịch sinh thái phục vụ khách du lịch. Ảnh: TT.
Ngành du lịch các địa phương xây dựng mô hình du lịch sinh thái phục vụ khách du lịch. Ảnh: TT.

Hiện nay, nhiều địa phương, doanh nghiệp (DN) đã áp dụng tiêu chí và triển khai loại hình du lịch xanh. Là địa phương đầu tiên ban hành Bộ Tiêu chí xanh (3-2021), tỉnh Quảng Nam áp dụng DN du lịch giảm rác thải và rác thải nhựa, góp phần xây dựng “Hội An - Điểm đến xanh”. Tại TP Hội An đã liên kết thành một cộng đồng làm du lịch xanh, cùng nhau xử lý rác hữu cơ, làm đồ tái chế, loại bỏ đồ nhựa dùng một lần.

Tại Quảng Ninh, các tàu du lịch trên vịnh Hạ Long ứng dụng công nghệ tiên tiến như: kỹ thuật dầu nước phân ly để lọc nước thải, sử dụng chai nước thủy tinh, ống hút giấy, ly giấy…

Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng, sắp tới các địa phương phải thực hiện chuyển đổi xanh trong du lịch, đầu tư xanh, phát triển du lịch xanh, khuyến khích tạo sản phẩm xanh nhằm thu hút du khách. Đặc biệt, đa dạng loại hình du lịch trong đó có du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch bảo tồn và phát huy văn hóa 54 dân tộc...

Để hướng đến mục tiêu du lịch xanh, Bộ trưởng cho rằng: "Cần sự đòi hỏi chung tay của cộng đồng DN và cơ quản lý ngành du lịch, cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chính sách trong việc đưa ra các chính sách, quy định và khi triển khai thực hiện phát triển du lịch xanh".

Cần chính sách "đặc biệt" khuyến khích chuyển đổi xanh

Theo PGS-TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam), vấn đề đầu tiên cần đề cập tới là nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân địa phương, khách du lịch và chính quyền. Hiện nay, chưa có chính sách nào cụ thể để khuyến khích các DN đầu tư, chuyển đổi công nghệ, giải pháp để trở thành DN xanh hoặc điểm đến du lịch xanh.

Do đó, cần có những chính sách cụ thể về mô hình du lịch xanh, bởi vì ứng dụng công nghệ mới vào du lịch xanh rất tốn kém. Các địa phương cần vận dụng, triển khai những chính sách vào thực tiễn như thế nào để đủ sức hấp dẫn các DN đầu tư thực hiện các dự án thúc đẩy phát triển du lịch xanh.

Còn theo ông Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM nhận định: "Với quan điểm mục tiêu Net Zero của ngành du lịch phải là mục tiêu của các ngành tổng hợp. Ví dụ như TP.HCM đã gắn kết ba ngành giao thông - năng lượng - tiêu dùng với ngành du lịch để giảm thiểu cacbon. Theo đó, TP tập trung vào chuyển đổi xe buýt có lộ trình 100% thành xe buýt sạch, chuyển đổi có lộ trình shipper sang xe điện... Tiếp đến là tiêu dùng xanh, hiện tại đã có ấp đảo Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ) là nơi thí điểm Net Zero".

nganh-du-lich-1.jpg
Du khách trải nghiệm cuộc đua F1 của những chú bạch tuộc ở ấp đảo Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM). Ảnh: TT.

Ông Vũ cho rằng: Thúc đẩy chuyển đổi xanh và du lịch bền vững cần có hành động tập thể, đồng thời có lộ trình cho các mục tiêu trung và dài hạn tùy thuộc vào bối cảnh để từng bước chuyển đổi và hạn chế các “cú sốc” về kinh tế - xã hội.

“Lộ trình chuyển đổi nền có thể cần 10-20 năm để tạo không gian cho các bên liên quan triển khai và điều chỉnh chính sách. Ngoài ra, trong thời gian tới cần có sự đóng góp, tham gia của các sở ban ngành, cùng các hiệp hội DN, cộng đồng dân cư, đối tác quốc tế trong việc xây dựng giải pháp, bao gồm các kế hoạch hành động, phân bổ nguồn lực, đánh giá tác động và lộ trình triển khai thực hiện"- ông Vũ nói.

Về phía Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang hướng hoạt động của các DN du lịch theo bốn nội dung: phát triển các hoạt động du lịch không sử dụng rác thải nhựa; xây dựng các tour du lịch không sử dụng phương tiện cơ giới (đi bộ, đi xe đạp...); phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp và nông thôn; vận động dọn rác thải ở các điểm du lịch...

Theo các chuyên gia, phát triển du lịch xanh hướng đến việc tạo ra các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường, du lịch có trách nhiệm, tạo cơ hội việc làm và chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Việc cấp thiết hiện nay là rà soát lại các tiêu chí phát triển du lịch xanh của Việt Nam và ban hành bộ tiêu chí phù hợp.

TP.HCM cũng đã có nhiều nỗ lực liên kết với các tỉnh, TP trong vùng, phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế để xây dựng các chương trình liên kết nhằm phát triển một cách bền vững và thúc đẩy nhận thức chung của cộng đồng.

Đặc biệt, trong bối cảnh các nước trong khu vực đang chạy đua mục tiêu Net Zero, điều này đòi hỏi TP.HCM với vị trí trung tâm du lịch của cả nước và đi đầu trong liên kết vùng cần phải “bứt phá” hơn nữa.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm