Toàn bộ các vụ tai nạn trên xảy ra trên đường bộ và đường sắt.
Cũng trong ngày mùng 2 Tết, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1.358 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, nộp kho bạc Nhà nước 502 triệu đồng, tạm giữ hai xe ô tô, 546 xe máy và tước 40 giấy phép lái xe các loại.
Như vậy, trong ba ngày (từ ngày 27-1 đến 29-1, tức từ 30 đến mùng 2 Tết) cả nước đã xảy ra 109 vụ tai nạn giao thông, làm chết 64 người, bị thương 112 người, đều là tai nạn trên đường bộ và đường sắt. So với ba ngày tết cùng kỳ năm 2016, năm nay tăng năm vụ tai nạn và tăng 14 người bị thương, tuy nhiên lượng người chết vì tai nạn không tăng không giảm (64/64).
Trong ba ngày Tết (27 đến 29-1), đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã tiếp nhận được khoảng 70 cuộc gọi và tin nhắn của người dân. Nội dung phản ánh về tình trạng vận tải hành khách như tự ý tăng giá vé, lấy phụ thu cao quá quy định, nhồi nhét khách một số tuyến đường. Đồng thời, xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ, tình trạng thu tiền trông giữ xe cao quá quy định tại các khu vực đền chùa, khu vực kinh doanh dịch vụ tại TP Hà Nội và TP.HCM.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh qua đường dây nóng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã yêu cầu các đơn vị có liên quan thực hiện kiểm tra, xử lý triệt để theo nội dung các thông tin được phản ánh.
Các vụ tai nạn trong dịp tết năm 2017 đã tăng so với cùng kỳ.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kiến nghị, trong những ngày Tết sắp tới lực lượng Công an tỉnh, thành phố cần tiếp tục huy động tối đa lực lượng CSGT phối hợp với các lực lượng công an khác (cảnh sát trật tự, công an xã...) đẩy mạnh tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Đặc biệt chú trọng xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ khi lái xe, không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
Trong những ngày cuối của dịp nghỉ tết Nguyên đán Đinh Dậu, mật độ người tham gia giao thông đổ về các đền chùa để du xuân, cầu may sẽ ngày một đông. Do đó Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đề nghị lực lượng cảnh sát giao thông tại Hà Nội và TP.HCM có phương án bố trí, huy động lực lượng bố trí tại các khu vực này, thực hiện phân làn, phân luồng, điều tiết giao thông, yêu cầu các hộ kinh doanh trông giữ xe chấp hành nghiêm pháp luật trật tự an toàn giao thông và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Tình trạng kẹp 3-4 người diễn ra nhiều Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đêm giao thừa ngày 27-1 (30 Tết) hàng vạn người dân đã đổ về các điểm đón năm mới trên toàn quốc. Tại Hà Nội và TP.HCM đã xảy ra tình trạng kẹt cứng tại một số điểm xem ca nhạc. Lực lượng công an Hà Nội và TP.HCM đã có phương án phân làn, phân luồng, điều tiết giao thông cụ thể và bố trí, huy động lực lượng đảm bảo trật tự an toàn giao thông và trật tự công cộng nên tình hình giao thông tại các khu vực này nhanh chóng ổn định trở lại. Riêng tại Hà Nội, tình trạng người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy ý thức kém, không đội mũ bảo hiểm, kẹp ba, kẹp bốn, lạng lách đánh võng, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, không chấp hành pháp luật TTATGT diễn ra nhiều. |