"Tết nào vui bằng Tết đoàn viên”, “Đi để trở về”, “Đi về nhà” … là những cụm từ quen thuộc mỗi dịp Tết đến xuân về. Nó không chỉ đơn giản là tên của một bài hát hay câu slogan quảng cáo mà sâu bên trong nó mang một ý nghĩa “Tết” và “về quê”.
Có lẽ, ai trong chúng ta, những người con xa xứ đều mong ngóng mỗi dịp Tết để được trở về quê, đoàn tụ và sum họp cùng gia đình thân yêu.
Dù rằng vì lý do nào đó, một số người chọn cách ở lại, không về quê, nhưng tin chắc rằng với họ, Tết vẫn là một điều gì đó khiến họ không thể ngừng nhớ về quê hương của mình.
Chỉ vì một bữa cơm Tết cùng gia đình
Gần 15 năm cùng chồng vào TP.HCM làm việc và sinh sống nhưng chẳng năm nào chị Vũ Ngọc không trở về quê Hải Phòng để đoàn tụ cùng gia đình vào dịp Tết.
“Không phải năm nào kinh tế gia đình cũng được dư giả, có năm cũng thiếu trước hụt sau, nhất là năm 2020 tình hình dịch bệnh kéo dài. Ấy thế mà mỗi năm tôi và chồng cứ đều đặn về quê ăn Tết dù chi phí khá đắt đỏ. Để có được chi phí đó, tôi đã phải dành riêng một khoản từ đầu năm để chuẩn bị cho chuyến đi của mình, tôi cũng mua vé máy bay từ trước để giá được rẻ hơn.
Tất cả những điều tôi cố gắng suốt một năm cũng chỉ mong được về quê đón cái Tết cùng ba, mẹ. Chỉ cần ăn một bữa cơm Tết cùng gia đình là bấy nhiêu cố gắng cũng không hề hoang phí” - chị Ngọc tâm sự.
Anh Trần Khắc Nam, quê Đăk Lăk cũng có chia sẻ tương tự: “Từ khi cưới vợ, tôi vào TP.HCM để bắt đầu cuộc sống mới. Do vợ chồng đi lên từ hai bàn tay trắng nên có nhiều thứ phải lo, cuộc sống cũng chật vật. Đến khi sinh con cuộc sống lại càng có nhiều thứ phải lo hơn. Cứ loay hoay mãi với gia đình nhỏ mà chớp mắt đã 10 năm trôi qua tôi không về quê nữa.
Rồi từ những cuộc gọi video call tôi nhận ra bố mẹ ngày một già hơn, vậy là vài năm trở lại đây dù cuộc sống có khó khăn đến mấy tôi đều cố gắng trở về quê một lần vào dịp Tết để thăm bố, mẹ. Tôi cũng hối hận vì sai lầm của mình, tại sao tôi lại không dành thời gian cho bố, mẹ của mình nhiều hơn. Tôi sợ một ngày nào đó mẹ sẽ già...".
“Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Sài Gòn, thế nhưng từ nhỏ tôi đều được cha, mẹ dẫn về quê ăn Tết. Từ đó, tôi cũng cảm nhận được rằng không có một cái Tết nào vui bằng Tết được bên cạnh người thân, gia đình. Cho nên, mỗi năm, cứ đến 28 Tết là tôi sắp xếp đưa cha, mẹ và các con về quê Vĩnh Long, để các con hiểu được giá trị văn hóa Tết Việt, giúp các con trải nghiệm truyền thống gói bánh tét, đưa các con đi chợ Tết… giống như cách mà tôi đã từng” - chị Hải Yến, ngụ Tân Phú, TP.HCM bộc bạch.
Sang Nhật du học và làm việc được 7 năm, chị Trân Trân cho biết đã 7 năm chưa được về quê ăn Tết cùng ba, mẹ. Thế nhưng, mỗi một ngày Tết chị sẽ dành ra nhiều thời gian hơn những ngày bình thường để được trò chuyện cùng ba, mẹ.
"Dù qua một màn hình điện thoại nhưng tôi cũng cảm nhận được sự ấm áp của Tết đoàn viên. Tôi cũng chuẩn bị nồi thịt kho, trang trí nhà cửa để ba, mẹ có thể yên tâm rằng tôi cũng có Tết. Năm nay sẽ là một năm đầy ý nghĩa với gia đình tôi, vì hiện tại mọi thứ của tôi đã được ổn định, tôi sẽ về nước vào ngày 26 để đón Tết cùng ba, mẹ. Chắc chắn ba, mẹ sẽ bất ngờ vì chuyến đi này tôi không hề báo trước. Và những năm kế tiếp, tôi sẽ tiếp tục trở về quê hương của tôi, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên". - chị Trân trải lòng.
Tết này về không con?
Cứ độ gần Tết, ai trong chúng ta cũng sẽ nhận được câu hỏi từ đấng sinh thành “bao giờ con về?” “Tết này về không con?”.
Câu hỏi như chứa đựng sự trông ngóng, nỗi nhớ nhung để được sum họp cùng các con. Thật ra với họ, Tết chẳng mong cầu gì cao sang, cũng chẳng “thèm” quà cáp gì từ con, chỉ cần con trở về với họ đó mới gọi là một cái Tết trọn vẹn và ý nghĩa.
Dù thế nào đi nữa, chúng ta cũng hãy trở về, hãy là những đứa trẻ, trong túi chỉ còn đủ tiền vé xe, đến khi trở về nhà không còn gì phải lo khi đã có ba, mẹ, gia đình và người thân bên cạnh.
Cũng như bài hát “Đi về nhà” của Đen Vâu được cho ra mắt vào những ngày cuối năm 2020, đến nay đã 4 năm trôi qua nhưng ca khúc ấy vẫn còn viral.
Nguyên nhân có lẽ vì câu từ trong bài hát đã chạm đến trái tim người nghe, nó thể hiện sự đồng cảm cho những người con xa quê; nó cũng cho thấy sự bao dung, che chở của gia đình, kêu gọi đứa con của mình đi về nhà dù gặp bất kỳ hoàn cảnh nào…
"Hạnh phúc đi về nhà. Cô đơn đi về nhà. Thành công đi về nhà. Thất bại đi về nhà. Mệt quá đi về nhà. Mông lung đi về nhà. Chênh vênh đi về nhà. Không có việc gì vậy thì đi về nhà...." (Trích Đi về nhà - Đen Vâu).