Như đã đưa tin, mùng 6 Tết Đinh Dậu (tức ngày 2-2), tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan (núi Đại Huệ, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, Nghệ An) diễn ra lễ dâng cặp bánh chưng "khổng lồ" có tổng trọng lượng khoảng 700 kg.
Gánh bánh chưng "khủng" lên khu mộ bà Hoàng Thị Loan.
Theo ban tổ chức, đây là năm thứ năm tổ chức sự kiện này. Lễ dâng bánh chưng nặng hàng trăm ký mỗi chiếc tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan có ý nghĩa tri ân, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, có một số ý kiến trái chiều cho rằng việc dâng cúng là thành tâm, sao phải làm bánh chưng "khổng lồ". Trước đó tỉnh Nghệ An vừa tiếp nhận 1.800 tấn gạo cứu đói nên việc làm cặp bánh chưng 700 kg là có phần phô trương, lãng phí.
Chiều 5-2, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An, cho biết: "Làm cặp bánh chưng nặng 700 kg (gói từ 1.000 lá dong, 600 kg nếp và 100 kg đỗ xanh, thịt, hành) hết khoảng hơn 20 triệu đồng, mỗi bánh khoảng 10 triệu đồng thôi".
Ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cắt bánh chưng (nặng 350 kg) phát cho người dân, du khách.
Theo ông Hiển, Tết Mậu Tuất năm 2018 tới đây sẽ cải tiến cặp bánh chưng nhỏ lại cho ý nghĩa hơn. Ví dụ như gói bánh chưng nhỏ bình thường với số bánh bằng năm sinh của bà Hoàng Thị Loan (1868-1901) đem lên dâng cúng và phát cho người dân mỗi người một cái.
Ông Hoàng Trung Châu, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nghệ An, cũng cho biết: "Cặp bánh chưng 700 kg là do các anh em, đơn vị trong Hiệp hội Du lịch Nghệ An làm, không lấy ngân sách tỉnh và Nhà nước.
Sang năm 2018, chúng tôi sẽ tiếp tục làm bánh chưng dâng tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan. Tại sao phải tiếp tục, đó là vì tấm lòng của anh em trong ngành du lịch đối với bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp tục truyền thống đền ơn đáp nghĩa.
Mục đích thứ hai là từng bước tạo ra sản phẩm du lịch mới, du lịch tâm linh đầu năm để thu hút thêm khách du lịch về với quê Bác Hồ. Cho nên chúng tôi sẽ tiếp tục làm bánh chưng, nhưng không làm bánh to nữa mà có thể gói nhỏ như bánh bình thường. Cách thức tổ chức có thể vẫn như cũ, đó là các doanh nghiệp gói bánh rồi tiến lên dâng bà, sau đó phát lộc tặng cho bà con, du khách".
Bánh chưng "khủng" phải bỏ trong khung, lồng sắt rồi cắt phát cho dân, du khách.
Theo ông Châu, ông sẽ bàn lại trong thường trực hiệp hội du lịch để báo cáo với tỉnh Nghệ An cho chủ trương năm tới làm thế nào vừa thể hiện được tấm lòng, vừa thực hiện được mục đích của mình, vừa tạo sự đồng tình ủng hộ của xã hội cao hơn.