Nghị định 73: Kỳ vọng hóa giải lằn ranh mong manh đúng, sai

(PLO)- Đôi khi luật pháp không dự liệu hết thực tế để điều chỉnh, quy định, đặc biệt là trong lĩnh vực công, nên Nghị định 73 đã cho một cơ chế bảo vệ những người dám “xé rào” để thúc đẩy xã hội phát triển.

“Cần xây dựng hoàn thiện pháp luật để cán bộ không phải dám nghĩ, dám làm theo nghĩa là “xé rào”, để cán bộ không phải đem cả sinh mệnh chính trị của mình thực thi chức trách, nhiệm vụ mà phải vi phạm pháp luật” - đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) đã phát biểu như vậy tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội hôm 1-11.

Những gì vị đại biểu này phản ánh thực tế cũng là vấn đề được nhắc đến nhiều trong thời gian qua khi mà đang có tình trạng một bộ phận cán bộ e dè, sợ trách nhiệm, không dám làm những việc trong phạm vi, nhiệm vụ mình phải làm. Nguyên nhân được chỉ ra là (i) do những xung đột pháp lý và (ii) do trong quy trình giải quyết công vụ không quy định rõ trách nhiệm, bổn phận của mỗi người.

Nghị định 73/2023 được kỳ vọng sẽ phần nào hóa giải những nguyên nhân trên. Nó như một điểm tựa cho những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ mà các cơ chế, chính sách ở các văn bản quy phạm pháp luật chưa dự liệu đến.

Cách khác, Nghị định 73/2023 cùng với Kết luận 14/2021 của Bộ Chính trị là cơ sở pháp lý và cũng là bệ đỡ cho cán bộ, công chức, viên chức dám đổi mới, sáng tạo có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung, để lỡ khi thực hiện việc đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu, gây ra thiệt hại sẽ được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm…

Nghị định 73 cũng ngăn ngừa việc cán bộ lợi dụng “xé rào” để mưu cầu lợi ích bản thân hay một nhóm nhỏ nào đó, làm với cái tâm không trong sáng thì phải bị xử lý, thậm chí xử lý hình sự nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng; đồng thời cũng sẽ tôn vinh, khen thưởng xứng đáng khi sự sáng tạo, đổi mới mang lại hiệu quả...

Để làm được điều này thực sự rất cần sự đồng hành, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, bởi họ sẽ quyết định việc có cho phép cán bộ thực hiện những điều mới mẻ vì lợi ích chung hay không.

Lằn ranh giữa dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung và vi phạm pháp luật rất mong manh. Người đứng đầu bản lĩnh, trong sáng sẽ tạo ra “sân chơi” cho các ý tưởng sáng tạo, năng động có đất diễn, đáp ứng kỳ vọng của người dân, xã hội...

Luật pháp vốn dĩ có tính bao quát, dự liệu. Tuy nhiên thực tế thì muôn hình muôn vẻ, có nhiều thay đổi nên đôi khi các nhà làm luật không dự liệu hết để điều chỉnh, quy định, đặc biệt là trong lĩnh vực công.

Chính vì vậy mà một cơ chế cho những người dám “xé rào” các quy định hiện hữu hoặc chưa được quy định luôn cần thiết để thúc đẩy xã hội phát triển. Ở góc độ này, Nghị định 73 đã thỏa mãn cho các ý tưởng vượt lên, thoát ra sự trì trệ, thúc đẩy hệ thống các cơ quan công quyền chuyển động nhanh hơn, linh hoạt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới