Nghị lực của người phụ nữ 24 năm chung sống với HIV

(PLO)- Là một trong những người phụ nữ đầu tiên tại Việt Nam công khai nhiễm HIV/AIDS, chị Phạm Thị Huệ không những vượt qua sự kỳ thị, mà còn tích cực trong hoạt động phòng chống căn bệnh thế kỷ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trải qua qua 24 năm chung sống cùng HIV/AIDS, đến nay chị Phạm Thị Huệ (ở Hải Phòng) vẫn khỏe mạnh và luôn giữ cho mình một thái độ sống lạc quan, tích cực. Ngoài ra, với những kiến thức về HIV, chị Huệ đã giúp cho rất nhiều người đồng cảnh ngộ với mình vượt qua mặc cảm, sống có ích.

người phụ nữ chung sống với HIV
Chị Huệ giao lưu phòng chống HIV trong một doanh nghiệp. Ảnh: PHẠM HUỆ

Tưởng chừng cuộc đời sẽ chấm hết

Phát hiện nhiễm HIV vào những năm 2001, thời điểm mà xã hội còn có sự kỳ thị rất lớn đối với căn bệnh này, chị Huệ đã trải qua quãng thời gian tăm tối nhất trong cuộc đời. Một phần chị đau nỗi đau thể xác nhưng nỗi đau tinh thần còn lớn hơn khi bị người thân và bạn bè xa lánh.

Nhớ lại ký ức xưa, chị Huệ không khỏi nghẹn ngào: “Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh những người nhiễm HIV lúc qua đời, không ai dám đến khâm liệm, chia buồn. Người nhiễm HIV khi bị ốm không ai dám đến gần chăm sóc. Những bà mẹ có con bị phát hiện nhiễm HIV cũng bị xã hội cách ly. Thậm chí cả những cán bộ y tế liên quan đến căn bệnh này cũng bị vạ lây. Muôn vàn những khó khăn đó khiến những người không may bị nhiễm HIV như chúng tôi thực sự bế tắc và tuyệt vọng. Tưởng chừng cuộc đời của tôi sẽ chấm hết tại đây”.

Nhưng không vì thế mà chị bỏ cuộc, sau khi sinh đứa con trai, chị đã tìm lại động lực sống, từ đó dần dần vượt qua nỗi đau để trở thành một người có ích.

“Mình đã có thay đổi sau khi trải qua những biến cố của cuộc đời. Vì thế mình phải trân trọng những giây phút được sống, cố gắng sống thật tốt và ý nghĩa khi còn có mặt trên cuộc đời này”, Huệ chia sẻ.

Nghi-luc-cua-nguoi-phu-nu-24-nam-chung-song-voi-AIDS (5).jpg
Chị Phạm Thị Huệ đã sống chung với HIV 24 năm nay và hỗ trợ nhiều người đồng cảnh. Ảnh: PHẠM HUỆ

Có trách nhiệm với cộng đồng

Nhờ sự tiến bộ của y học trong điều trị AIDS và nghị lực của bản thân, chị Huệ đã nhanh chóng vượt qua khó khăn và trở thành một con người hoàn toàn khác. Bên cạnh chị giờ đây, ngoài gia đình nhỏ thân thương, còn có những người bạn đồng hành trong câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS ở Hải Phòng.

Chị Huệ chia sẻ: “Là một người nhiễm HIV, tôi cảm thấy mình cần có trách nhiệm tham gia vào công cuộc phòng chống HIV/AIDS của Hải Phòng nói riêng và của Việt Nam nói chung”.

Với sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể và lãnh đạo địa phương, chị đã thành lập ra nhóm tự lực của người nhiễm HIV năm 2003. Đến năm 2005 – 2010, chị tham gia làm tình nguyện viên Liên Hợp Quốc trong các chương trình phòng chống HIV/AIDS. Từ năm 2011 đến nay, chị làm việc cho Trung tâm Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng chống HIV/AIDS Hải Phòng.

Nghi-luc-cua-nguoi-phu-nu-24-nam-chung-song-voi-AIDS (1).jpg
Chị Huệ (giữa) hiện là trưởng phòng Trung tâm Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cộng đồng và phòng chống HIV/AIDS Hải Phòng, Ảnh: Liên hiệp các hội KH-KT Hải Phòng

Để giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, chị Huệ đã không ngần ngại công khai tình trạng nhiễm HIV của mình với nhiều người. Chị sẵn sàng dành thời gian để tham gia các hoạt động truyền thông, cung cấp kiến thức phòng chống HIV cho cộng đồng, an ủi những người mới nhiễm HIV, giúp họ ổn định tâm lý.

Đồng thời, chị còn tiếp cận những người có nguy cơ bị nhiễm HIV cao để cung cấp kiến thức và kết nối họ tới các cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm và điều trị kịp thời.

Nghi-luc-cua-nguoi-phu-nu-24-nam-chung-song-voi-AIDS (4).jpg
Chị Huệ dành thời gian trải nghiệm cùng các em nhỏ trong CLB Sức Sống Mới. Ảnh: PHẠM HUỆ

Không may mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS từ khi mới chỉ 7 tuổi, cô gái N.T.Y đã gặp được chị Huệ giúp đỡ khi mới chỉ học lớp 3. Giờ đây cô gái này đã 21 tuổi, cô tâm sự: "Mình cảm thấy hạnh phúc và may mắn khi kịp thời gặp được cô Huệ, nên giờ đây mình đã không còn tiêu cực. Cô Huệ biết mình từ khi còn nhỏ và đã kêu gọi các nhà tài trợ giúp đỡ mình như trao tặng bàn học, sách vở và cho mình tham gia vào các câu lạc bộ. Cô dạy cho mình nhiều bài học, mình thấy cô rất tuyệt vời, cô như người mẹ thứ hai của mình vậy".

Trong một hoàn cảnh khác, cô gái L.T.T cho biết, mình đã vượt qua được khoảng thời gian bế tắc nhất trong cuộc sống. Mới năm nào còn là học sinh cấp 3, giờ đây cô đã 22 tuổi, là một người trưởng thành hơn, lạc quan hơn sau khi gặp được chị Huệ. Khi nhắc về chị Huệ, cô đã không ngần ngại tâm tình rằng: "Mình gặp được cô Huệ vào năm lớp 11, khi đó mình không biết được định hướng của mình ra sao, mình sẽ làm gì sau khi học xong. May mắn, mình gặp được cô Huệ đã nhiệt tình chia sẻ về những điều mà bình thường mình không được nghe từ người khác. Mình biết được rằng, mình sẽ làm gì, được làm gì và có quyền gì. Mình cảm thấy cô Huệ là một người mạnh mẽ và luôn trong trạng thái tích cực nhất có thể".

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, chị Huệ cho biết con trai và những người thân yêu trong gia đình là nguồn động viên để chị vượt qua khó khăn. Đặc biệt, thái độ sống tích cực của những người nhiễm HIV sau khi được chị tư vấn là động lực lớn nhất để chị tiếp tục sứ mệnh vì cộng đồng.

Nghi-luc-cua-nguoi-phu-nu-24-nam-chung-song-voi-AIDS (2).JPG
Chị Huệ giao lưu, truyền thông phòng chống HIV/AIDS tại THCS Tràng Cát - Hải An - Hải Phòng. Ảnh: PHẠM HUỆ

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hải Phòng cho biết vừa qua chị Phạm Thị Huệ đã tham gia chương trình truyền thông cộng đồng hưởng ứng ngày thế giới phòng chống AIDS năm 2023 với vai trò là cộng tác viên hỗ trợ dự án Methadone.

Theo vị đại diện này, trong những năm qua, công tác phòng chống ma túy và HIV/AIDS của Hải Phòng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần tích cực vào công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của thành phố; là một trong những địa phương đi đầu về công tác phòng chống ma túy, HIV/AIDS – được Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao kết quả phòng chống HIV/AIDS.

Cùng hành động để chấm dứt AIDS vào năm 2030

Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12) năm nay, Việt Nam đã phát động “Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS với chủ đề “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.

Theo Bộ Y tế, trong 8 tháng đầu năm 2023, Việt Nam có khoảng 249.000 người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 230.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống.

Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây.

Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma túy (từ 28,6% năm 2004 xuống 12,1% năm 2021) và phụ nữ bán dâm (từ 5,9% năm 2002 xuống 2,5% năm 2022); Việt Nam giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% (hiện ước đạt 0,26%), giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao.

Theo Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS được Chính phủ phê duyệt năm 2020 thì chấm dứt dịch bệnh AIDS không có nghĩa là không còn người nhiễm HIV mà là khi đó AIDS không còn là vấn đề sức khỏe đáng lo ngại ở cộng đồng.

Mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS là khi Việt Nam đạt được các tiêu chí sau: Số người nhiễm HIV được phát hiện mới đạt mức dưới 1.000 trường hợp/năm (hiện nay >10.000 trường hợp/năm). Tỷ lệ người nhiễm HIV tử vong liên quan đến HIV/AIDS dưới 1/100.000 dân (hiện nay khoảng 3,5 người/100.000 dân). Tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2% (hiện nay 6%).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm