Ngõ cụt bạo lực

Được sự ủng hộ của quân đội, chính phủ của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva đang nắm trong tay lợi thế lớn trong cuộc đối đầu bạo lực với phe “áo đỏ”. Quân đội, theo lệnh của chính phủ, đã điều động hàng trăm xe bọc thép và hàng chục nghìn binh sĩ, tiến hành bao vây cô lập gần như hoàn toàn khu vực những người biểu tình “áo đỏ” đang chiếm giữ tại Bangkok.

Ngõ cụt bạo lực ảnh 1

Một phần Bangkok đang chìm trong khói lửa xung đột

Quân đội tuyên bố thiết lập “vùng bắn đạn thật” tại Bangkok và cho biết đã bố trí các tay súng bắn tỉa để bắn hạ “những phần tử vũ trang”. Người phát ngôn quân đội cho biết có kế hoạch trấn áp khu thương mại Ratchaprasong đang bị khoảng 6.000 người biểu tình “áo đỏ” chiếm giữ.

Với sự hậu thuẫn như vậy, Thủ tướng Abhisit mạnh mẽ tuyên bố trên truyền hình rằng “hoạt động quân sự là biện pháp duy nhất” để chấm dứt biểu tình, giải quyết tình hình hiện nay. Ông Abhisit cảnh báo rằng chính phủ sẽ ban bố lệnh giới nghiêm nhằm lập lại trật tự ở thủ đô.

Song tất cả các áp lực từ phía chính phủ và quân đội không làm phe “áo đỏ” nao núng. Phe “áo đỏ” cho rằng “tình hình hiện gần như một cuộc nội chiến” song khẳng định sẽ “tiếp tục chiến đấu” cho đến khi Thủ tướng Abhisit giải tán Quốc hội và từ chức.

Đối đầu bạo lực sẽ đi đến đâu? Khó có ai có thể đưa ra câu trả lời rõ ràng vào lúc này, chỉ thấy rằng cái giá phải trả quá lớn. Trung tâm Dịch vụ cấp cứu khẩn cấp Bangkok cho biết đã có ít nhất 25 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương chỉ trong 3 ngày xung đột vừa qua.

Ngõ cụt bạo lực ảnh 2

Một người biểu tình “áo đỏ” tử thương trong xung đột bạo lực

Có thể sẽ có kẻ thắng người thua nếu tiếp diễn đối đầu nhưng chắc chắn nó chẳng thể giúp giải quyết tận gốc rễ dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay tại Thái Lan. Đối đầu và bạo lực có thể lắng dịu song rất có thể lại tái bùng phát trong tương lai. Bạo lực chỉ làm cho bạo lực bùng phát mạnh hơn.

Vì thế, dư luận Thái Lan cũng như quốc tế cho rằng đàm phán hòa bình mới giải quyết bền vững các vấn đề phát sinh mâu thuẫn và xung đột thời gian qua ở nước này. Nhấn mạnh sự quan ngại về tình hình bạo lực gia tăng tại Thái Lan, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các bên tránh làm leo thang bạo lực và trở lại bàn đàm phán. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore cảnh báo tình hình có thể “vượt khỏi tầm kiểm soát” và cho rằng hậu quả sẽ là “cực kỳ nghiêm trọng” đối với Thái Lan cũng như cả khu vực ASEAN. Singapore kêu gọi các bên kiềm chế và giải quyết vấn đề qua con đường đối thoại.        

Lệnh giới nghiêm tại nhiều khu vực ở Bangkok đã được chính quyền Thái Lan hủy bỏ chiều qua sau khi ban hành sáng cùng ngày do thấy “vẫn kiểm soát được tình hình”.

Đại diện Chính phủ Thái Lan cho biết, họ sẽ tiếp tục đàn áp những người biểu tình “áo đỏ” bất chấp lời kêu gọi đàm phán thông qua Liên Hợp quốc. Theo người phát ngôn chính phủ Panitan Wattanayagorn, không có lý do gì để quân đội phải rút lui vì “chính quyền không sử dụng vũ khí để đàn áp dân thường”, mà nhằm tiêu diệt “những tên khủng bố” trong đội quân “áo đỏ”. Trong khi đó, Trung tâm Giải quyết tình huống khẩn cấp Thái Lan vẫn tiếp tục thuyết phục người biểu tình rút khỏi Bangkok với hạn chót là chiều nay. 

Được biết, trưa 16-5, Mỹ đã bắt đầu sơ tán các nhân viên không quan trọng trong đại sứ quán cùng gia đình họ ra khỏi Bangkok đồng thời cảnh báo công dân Mỹ không đến Thái Lan nếu không cần thiết. Bộ Giáo dục Thái Lan cũng đã ra lệnh cho tất cả trường học tại Thủ đô Bangkok lùi thời điểm khai giảng học kỳ mới một tuần so với kế hoạch ban đầu đến ngày 24-5, do tình trạng bạo lực leo thang.

Hạ Liên (Theo AP)

Theo Hoàng Hà (ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm