Theo The Washington Post, chuyến đi sẽ làm tiền đề cho một cuộc gặp chính thức giữa hai nhà lãnh đạo Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin. Đây cũng có thể là động thái nhằm cứu vãn “kỳ trăng mật” giữa bộ đôi Trump-Putin nay đã có dấu hiệu lụi tàn trước khi kịp bắt đầu.
Ông Trump và ông Putin từng có nhiều lời lẽ tốt đẹp về nhau. Cả hai đều khẳng định muốn cải thiện quan hệ Nga-Mỹ. Tuy nhiên, những gì xảy ra vài tuần qua báo hiệu khả năng “kỳ trăng mật” Trump-Putin có vẻ đã chấm dứt trước khi kịp bắt đầu. Bất đồng và thất vọng giữa hai phía đã xuất hiện, theo chuyên gia Ariel Cohen thuộc trung tâm nghiên cứu quốc tế Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ).
Đầu tiên là việc cộng đồng tình báo Mỹ kết luận Nga can thiệp bầu cử năm 2016 để giúp ông Trump thắng cử, kéo theo Thượng viện và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vào cuộc điều tra. Ông Michael Flynn, người ủng hộ cải thiện quan hệ Nga-Mỹ, đã buộc phải từ chức cố vấn an ninh quốc gia vì có liên hệ với đại sứ Nga tại Washington, D.C. Người thay thế ông Flynn là tướng H.R. McMaster đã cho xem xét và cải tổ toàn diện chính sách với Nga. Không chỉ vậy, chính phủ ông Trump đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu gì sẽ cân nhắc dỡ bỏ trừng phạt kinh tế với Nga xoay quanh vấn đề Ukraine và Crimea. Các quan chức cấp cao Mỹ thi nhau trấn an NATO cũng khiến Nga căng thẳng. Một cách không chính thống, các kênh truyền hình Nga gần đây có vẻ cũng giảm tần suất đề cập và ca ngợi ông Trump.
Về phía Mỹ, các động thái gần đây của Nga - như leo thang tại xung đột Ukraine, triển khai tên lửa hành trình tầm xa vi phạm Hiệp ước tên lửa tầm trung (INF) 1987, đối đầu tàu chiến Mỹ ở biển Đen, đưa tàu do thám đến sát bờ biển Mỹ… đã khiến Mỹ có phần bất an. Theo ông Cohen, một khi điện Kremlin “tỉnh mộng”, Nga có thể sẽ quay lại với các đả kích nhắm vào Nhà Trắng, mở rộng can dự vào Ukraine, phát động chạy đua hạt nhân và thắt chặt quan hệ với các đối thủ của Mỹ như Iran và Trung Quốc.
Chính phủ ông Trump dĩ nhiên không muốn điều này. Đối đầu với Nhà Trắng cũng không phải mong muốn của điện Kremlin vì lợi bất cập hại. Cho dù “kỳ trăng mật” đứng trước nguy cơ đổ vỡ, vẫn chưa quá muộn để ông Rex Tillerson đến Nga và chìa ra cành ô liu cứu vãn.