Ngôi làng ẩn mình trong mây độc đáo ở Hà Giang

(PLO)- Trên độ cao khoảng 2.000m so với mực nước biển, ngôi làng khiêm nhường nép mình bên ngọn núi cao.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ lâu, Hà Giang đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng bởi cảnh núi non hùng vĩ. Bởi đây là điểm cực Bắc của Tổ quốc.

Đường đi ngắm cảnh ở Hà Giang phải trải qua những con đường với nhiều khúc cua “tay áo” ngoằn nghèo, những con đèo dốc quanh năm sương mù.

Hà Giang có rất nhiều điểm để khám phá như Núi Đôi ở cổng trời Quản Bạ, đèo Mã Pí Lèng, sông Nho Quế, Nhà của Pao, Phố Cáo, cột cờ Lũng Cú ở điểm cực Bắc Tổ quốc với lá cờ 54 m2 tung bay…

Hà Giang nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp mê đắm lòng người, trong ảnh là sông Nho Quế nằm dưới chân những ngọn núi tai mèo hiểm trở. Ảnh: NÚI XANH

Hà Giang nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp mê đắm lòng người, trong ảnh là sông Nho Quế nằm dưới chân những ngọn núi tai mèo hiểm trở. Ảnh: NÚI XANH

Đường đến Sảo Há nhiều trải nghiệm

Mỗi nơi một vẻ, Hà Giang lạ lẫm mà gần gũi thân quen làm sao. Nhưng ấn tượng nhất là ngôi làng ẩn mình trên mây của đồng bào H’Mông tên là Sảo Há (theo tiếng H’Mông nghĩa là “thung lũng trên cao”) thuộc thôn Khó Chớ, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn. Từ huyện Yên Minh, đường đi đến ngôi làng phải vượt hết một con đèo trên tuyến đường mang tên “Hạnh Phúc” dài gần 17 km với những khúc cua "tay áo", dốc dài len lỏi quanh núi. Đến chân dốc Thẩm Mã, du khách phải tiếp tục rẽ phải đi 4 km mới tới xã Vần Chải.

Dốc Thẩm Mã Hà Giang. Ảnh: NÚI XANH

Dốc Thẩm Mã Hà Giang. Ảnh: NÚI XANH

Muốn đến ngôi làng, du khách chỉ có thể di chuyển bằng xe máy hoặc đi bộ, trên một con đường quanh co, chênh vênh. Nhiều đoạn dốc ngược, một bên là vực sâu, một bên là những vườn ngô, cây lanh trồng xen với đá. Con đường này có đoạn như luồn trong mây và không một bóng người.

Đường đến làng Sảo Há một bên là vực sâu, một bên là những vườn ngô, cây lanh trồng xen với đá. Ảnh: NÚI XANH

Đường đến làng Sảo Há một bên là vực sâu, một bên là những vườn ngô, cây lanh trồng xen với đá. Ảnh: NÚI XANH

Đi hết con dốc, hẳn mọi người sẽ thích thú khi qua một cổng đá có một cái miếu thờ thần rừng, để vào một khu rừng um tùm và sực nức một mùi thơm dễ chịu, anh bạn người H’Mông đi cùng cho biết đó là mùi cây lanh, một loại cây có lá gần giống với cây cần sa người dân dùng sợi của cây này để dệt thổ cẩm. Đây là nơi sinh sống của một nhóm hộ Sảo Há, với 22 nóc nhà bao bọc bởi khu rừng nguyên sinh rộng khoảng 500 ha. Điều đặc biệt là nhóm người H’Mông ở đây đều mang chung dòng họ Vàng.

Làng Sảo Há ở gần đỉnh núi phía xa. Ảnh chụp từ đường đèo của con đường Hạnh Phúc. Ảnh: NÚI XANH

Làng Sảo Há ở gần đỉnh núi phía xa. Ảnh chụp từ đường đèo của con đường Hạnh Phúc. Ảnh: NÚI XANH

Trên độ cao khoảng 2.000m so với mực nước biển, làng khiêm nhường nép mình bên ngọn núi cao. Ven lối mòn là những ngôi nhà truyền thống gọi tên là “trình tường”, tường nhà được ép đất dầy, mái lợp ngói âm dương. Tất cả sinh hoạt của gia đình, chăn nuôi gia súc, gia cầm đều ở bên trong dãy tường bằng đá cao khoảng 1,5m. Những viên đá đủ hình thù được khéo léo xếp khít khao, dù không có vật liệu kết dính, nhưng rất vững chắc... Có bức tường đã đứng đây gần trăm năm phủ đầy rêu xanh.

Làng Sảo Há nằm ở độ cao 2.000m so với mực nước biển. Ảnh: NÚI XANH

Làng Sảo Há nằm ở độ cao 2.000m so với mực nước biển. Ảnh: NÚI XANH

Sảo Há có lịch sử ly kỳ

Dưới tán rừng già, hai bên đường những ngôi nhà thấp đã bạc màu cùng thời gian, được xoay mặt vào nhau, thâm trầm dưới bóng đại ngàn. Kể về lịch sử ngôi làng, anh Sùng Mí Lúa, người dân tộc H’Mông cho biết khoảng những năm 1957 – 1958, có một nhóm thổ phỉ nổi lên chống chính quyền rất dữ tợn. Cuộc nổi loạn thất bại, thủ lĩnh nhóm thổ phỉ Vàng Vạn Ly đưa các con trốn vào hang núi trên đỉnh núi này. Sau khi được chiêu hàng, Vàng Vạn Ly đưa anh em họ hàng, con cháu định cư ở đây, có lẽ là muốn xa lánh phần thế giới còn lại dưới chân núi.

Thường ngày khu làng rất vắng vẻ, người lớn đi nương xa từ sáng và chiều tối mới về. Ảnh: NÚI XANH

Thường ngày khu làng rất vắng vẻ, người lớn đi nương xa từ sáng và chiều tối mới về. Ảnh: NÚI XANH

Thường ngày khu làng rất vắng vẻ, người lớn đi nương xa từ sáng và chiều tối mới về. Công việc trồng ngô trong hốc đá gần như là công việc truyền đời của cư dân sống trên cao nguyên đá Đồng Văn. Trong làng chỉ có trẻ con và người già.

Làng Sảo Há thâm trầm dưới bóng đại ngàn. Ảnh: NÚI XANH

Làng Sảo Há thâm trầm dưới bóng đại ngàn. Ảnh: NÚI XANH

Lên Sảo Há đẹp nhất là vào mùa xuân khi những cây đào đỏ rợp cả làng. Mùa hạ, mùa thu ngắm mây bay lảng bảng trên đường đi..., mùa đông thì lạnh và sương mù phủ cả ngày.

Anh Vương Sơn người chuyên hỗ trợ dịch vụ chở người từ dưới UBND xã lên Sảo Há chia sẻ: “Trên đó mùa đông lạnh lắm, gieo ngô trước dưới này, nhưng bao giờ cũng thu hoạch sau”.

Du khách khám phá, tham quan làng Sảo Há. Ảnh: NÚI XANH

Du khách khám phá, tham quan làng Sảo Há. Ảnh: NÚI XANH

Sảo Há chưa phải là ngôi làng có người dân sống trên núi cao nhất ở Hà Giang. Nhưng trải qua hơn 100 năm, cùng những câu chuyện ly kỳ của một thủ lĩnh nổi tiếng dữ tợn, các hộ dân vẫn giữ được tất cả các lối kiến trúc cùng phong tục tập quán nguyên vẹn theo truyền thống của đồng bào H’Mông. Vì lẽ đó mà Sảo Há bắt đầu thu hút nhiều đoàn khách tới thăm, trải nghiệm, khám phá. Có nhóm du khách còn tổ chức cắm trại trong rừng trúc, sát ngọn núi cao quanh năm sương phủ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm